Hãy giữ lấy bóng mát cây Kơ nia

Kơ nia được coi là cây "bản sắc" văn hóa độc đáo của người dân Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, bởi không những mang đậm yếu tố về tinh thần mà còn cả về mặt tâm linh.

Nguồn: baogialai.com.vn


Đồng bào dân tộc phát nương làm rẫy, nơi nào có cây Kơ nia đều được bà con giữ lại chứ không chặt bỏ như các loại cây khác. Cây Kơ nia cũng đã đi vào thơ ca và trở thành biểu tượng của người dân Tây nguyên từ bao đời nay...

Đặc trưng của cây Kơ nia là đứng độc lập, lá nhỏ và tán rộng rất dễ nhận biết, cây làm bóng mát che nắng cho bà con lao động trên nương rẫy sau những giờ lao động mệt nhọc.

Theo quan niệm của người J'rai - Bahnar, bóng cây Kơ nia không chỉ đơn thuần che mát mà còn che chở cả sự sống của cộng đồng, như già làng Ma Jing ở buôn Poong (xã Đăk Bằng, huyện Krôngpa) từng nói: Bóng mát của cây Kơ nia là bóng mát của Yàng (Trời), ngơi nghỉ ở đây làm cho con người nhanh khỏe ra và "cái đầu" thoải mái hơn...


Chừng 10 năm trước, cây Kơ nia ở địa bàn Gia Lai có rất nhiều, gần như trên đất nương rẫy nào cũng có. Tại các huyện vùng phía đông Trường Sơn như Konchoro, Krông pa, Chư Sê... đều có rất nhiều cây Kơ nia trên các nương rẫy của đồng bào dân tộc và dọc trên các con đường làng. Nhiều nương rẫy có đến 5 - 7 cây, có những cây to hàng trăm năm tuổi vài ba người ôm không xuể, bóng mát tỏa rộng bằng cả chục nóc nhà.

Những hình ảnh người mẹ địu con, người gùi cõng củi đốt, gùi măng rừng... ngồi nghỉ dưới bóng cây Kơ nia giữa trưa oi ả của mùa nắng nóng đã thể hiện sự yên bình và phát triển cuộc sống của các buôn làng.

Những năm gần đây, cây Kơ nia dần bị mất đi nhiều, bởi sự thiếu ý thức của một số người dân chặt hạ đem bán cho các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn dùng làm củi đốt, nhất là bán cho các nhà máy sấy thuốc lá.

Gỗ cây Kơ nia không có giá trị về mặt kinh tế để làm ra các loại sản phẩm xuất khẩu từ gỗ, mà chỉ dùng làm củi đốt vì dễ cháy và rất đượm. Giá trị một cây Kơ nia cổ thụ cho đến vài khối gỗ (cả cành ngọn) chỉ khoảng 500 - 700.000 đồng/cây, rẻ hơn rất nhiều so với các loại củi đốt khác. Thế là các chủ lò sấy đổ xô tìm mua gỗ cây Kơnia để làm củi đốt. Nhiều nương rẫy của đồng bào bây giờ chẳng còn một bóng dáng cây Kơ nia nào...

Cây Kơ nia có giá trị biểu tượng về sức sống mạnh mẽ không chỉ đối với người dân Tây nguyên mà là của cả nước, do vậy các cấp chính quyền địa phương ở vùng Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cần có những biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào hãy giữ lấy "bóng mát" của cây Kơ nia.

Bước đầu một số địa phương trong vùng cũng đã tìm kiếm và đưa cây Kơ nia về trồng ở nhiều nơi công cộng, như trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Lăng Bác Hồ...

 Mới đây, tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) rất nhiều cây Kơ nia cũng được trồng trên đồi phía sau Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên.



Văn Thông
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN