Như vậy, hạn hán tiếp tục diễn ra từ nay đến nửa đầu tháng 5 đối với khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và đến hết tháng 7 đối với Trung Bộ. Trong thời gian này, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận duy trì tình trạng hạn mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất.
Người dân các địa phương này cần có phương án sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt; quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Cùng với đó, chính quyền và người dân cần xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu. Việc chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài trong phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, việc trồng rừng và bảo vệ rừng là một trong những giải pháp phòng chống hạn hán có hiệu quả lâu dài và bền vững.
Thời gian qua, tình trạng hạn hán và thiếu nước xảy ra khốc liệt tại nhiều địa phương. Ba tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn, trong đó, Cà Mau và Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp cấp độ 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) và khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Hiện nay, mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện U Minh (Cà Mau) xuống mức thấp. Hầu hết các tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời đã khô cạn. Hạn hán gây ra sạt lở, sụt lún đất tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Trần Văn Thời với 601 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh có tổng chiều dài 15.890 mét. Huyện U Minh Thượng đã có 200 điểm sạt lở, sụt lún trên địa bàn. Sạt lở, sụt lún đất làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đối với tỉnh Đắk Nông, do ảnh hưởng của hạn hán, toàn tỉnh đang có 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn cũng bị cạn kiệt nguồn nước đầu vào, khiến việc cung ứng nước cho người dân bị gián đoạn, không đảm bảo…