Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 44.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước gồm hơn 12.500 ha cà phê, 10.400 ha cây ăn quả 2.400 ha hồ tiêu... Trong số đó, diện tích do người dân tự đầu tư là hơn 33.200ha, doanh nghiệp hơn 9.000 ha và nhà nước đầu tư hơn 140 ha.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 100.000 ha. Trong số diện tích cà phê này hiện có hơn 12.500 ha cà phê áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (chiếm 12,5%). Việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây cà phê đang là một trong những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu vực xã Ia Mơ Nông và Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), tình trạng khô hạn đã khiến nguồn nước từ các sông, ao, hồ ngày càng cạn kiệt. Hàng trăm hộ dân trồng cà phê đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới khi thời điểm này đang cao điểm mùa tưới cà phê. Thế nhưng, ở vườn cà phê của anh Siu Bốp (làng Mnông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) vẫn xanh tốt nhờ áp dụng biện pháp tưới phun mưa tận gốc. Theo anh Siu Bốp, mọi năm, anh phải tốn 10 ngày liên tục, làm từ sáng tới tối đêm mới hoàn thành được một đợt tưới cho hơn 2.000 cây cà phê. Còn bây giờ, chỉ cần vài lần mở khóa, hệ thống tưới tiết kiệm sẽ thay thế toàn bộ sức người.
"Trước đây, chưa có hệ thống tưới bằng béc tự động, gia đình phải tưới dí kiểu truyền thống, trung bình 1ha mất 4 - 5 ngày. Với hệ thống tưới tiết kiệm tự động, chỉ 1- 2 ngày đã tưới xong, không phải tốn công, điện, nước. Mình bật máy tưới xong rồi bón phân dễ dàng hơn, không khó khăn như trước nữa"- anh Siu Bốp chia sẻ.
Không chỉ các hộ dân, nhiều hợp tác xã trồng cà phê cũng đang nỗ lực đầu tư bài bản hệ thống tưới nước tiết kiệm. Hợp tác xã Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) là một trong số đó. Với hơn 400 ha cà phê của gần 300 hộ thành viên tham gia, hệ thống tưới tiết kiệm đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân trồng cà phê. Đơn cử, khi người dân tưới dí truyền thống phải mất trung bình 400 lít nước cho 1 gốc cà phê, trong khi tưới phun mưa tận gốc sử dụng rất ít nước. Chưa kể, thấy cây cà phê thiếu nước lúc nào thì hệ thống tưới tiết kiệm có thể đáp ứng kịp thời, giúp cà phê luôn xanh tốt. Cũng chính vì hệ thống tưới tiết tự động nên đã giảm được rất nhiều chi phí về nhân công, điện, thậm chí cả phân bón.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Ia Mơ Nông cho biết: Trước tình hình khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm vừa bảo đảm được nguồn tài nguyên nước, vừa đạt hiệu quả cao cho vườn cây cà phê. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để tăng hiệu quả trong sản xuất cà phê. Mặt khác, hợp tác xã sẽ tận dụng các nguồn hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và địa phương để lặp đặt cho các hộ dân hướng đến phát triển cà phê bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Có thể thấy, hệ thống tưới nước tiết kiệm đang cho thấy tính ưu việt trong trồng và chăm sóc cây trồng. Thế nhưng, việc đầu tư lắp đặt hệ thống này cũng gặp không ít khó khăn.
Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, hiện tỷ lệ thực hành tưới tiết kiệm trên vườn cà phê của hợp tác xã (bao gồm tưới phun béc trên ngọn cây và tưới nhỏ giọt dưới gốc cây) mới chỉ đạt khoảng 2%. Có rất nhiều khó khăn, trở ngại khiến các hộ dân chưa thể đầu tư hệ thống tưới tự động. Đặc biệt là chi phí đầu tư hệ thống tưới phun mưa tận gốc quá cao, khoảng hơn 60 triệu đồng, khiến người dân chưa dám đầu tư.
"Mặt khác, nhiều vườn cà phê lắp đặt xong hệ thống tưới tự động thường hay bị mất cắp nên các hộ dân lo sợ. Chính vì vậy, cần phải quy hoạch hệ thống tưới tiết kiệm theo từng vùng trồng cà phê để có sự quản lý, giám sát giữa các hộ dân, tránh tình trạng mất cắp xảy ra"- ông Thanh cho biết thêm.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vẫn còn rất hạn chế so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công nghệ tưới tiết kiệm để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng nhân rộng thực hiện. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu các cấp về chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm, hỗ trợ chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 120.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.