Bình Phước ban hành kế hoạch ứng phó hạn hán

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về việc ứng phó hạn hán xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2024.

Chú thích ảnh
Nắng hạn khiến ao hồ tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) khô cạn đáy. Ảnh: TTXVN phát

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra nắng nóng kéo dài diện rộng; khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 12 giờ đến 16 giờ, nhiệt độ dao động từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nguồn nước ở các hồ chứa thủy lợi, ao, sông, suối trên địa bàn tỉnh bị suy giảm (một số dòng suối nhỏ đã khô cạn), ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng thiếu nước tưới đã khiến các loại cây trồng như: bưởi, sầu riêng, cà phê bị khô bông, rụng trái. Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài và được cảnh báo hạn nông nghiệp ở mức độ 3 - 4, cấp độ thiên tai từ cấp 1 - 2.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xác định các khu vực hạn hán, thiếu nước để đưa ra phương án ứng phó kịp thời, hợp lý; sử dụng các kết quả bản đồ đánh giá rủi ro thiên tai để xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước; tăng cường công tác dự báo, tăng độ chính xác của bản tin dự báo; sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm; thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm đến người dân các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước. Các đơn vị tiến hành quy hoạch sử dụng đất; chuyên đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với diễn biến của hạn hán; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi xảy ra hạn hán trên diện rộng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng thường xuyên bị hạn; lựa chọn các loại cây trồng cạn ngắn ngày có khả năng chịu hạn, sử dụng ít nước đề gieo trồng trên đất lúa (như: đậu đỗ, ngô, mì...), dừng gieo trồng ở một số khu vực không đảm bảo về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại.

Các địa phương, đơn vị cần vận hành hợp lý, tiết kiệm nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước thủy điện, các công trình cấp nước; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thiết lập các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền, đào ao, giếng nông để lấy nước tưới cho cây trồng; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm như: tưới phun mưa, tưới luân phiên...; ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, sau đó đến chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, sản xuất công nghiệp, sản xuất điện.

Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh, triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; hướng dẫn người dân khắc phục tình trạng thiếu nước các giếng đào, giếng khoan của hộ gia đình để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cấp nước hỗ trợ cho nhân dân không để thiếu nước uống, sinh hoạt.

Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng nước đục, bẩn để uống, sinh hoạt, tránh ảnh hưởng nguy cơ dịch bệnh do sử dụng nước uống không hợp vệ sinh gây ra; tổ chức điều tiết, vận hành hồ chứa phù hợp với từng tình huống cụ thể; triển khai ứng phó vận dụng phương châm “4 tại chỗ", huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời; cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến 12/41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngưng hoạt động, tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 3.195 hộ, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hơn 10.171 ha... Trong tháng 4, tỉnh Bình Phước có thêm huyện Bù Đốp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nâng tổng số địa phương bị ảnh hưởng hạn hán lên 8/11 huyện, thị trấn.

K GỬIH (TTXVN)
Chống hạn mặn cho vùng chuyên canh sầu riêng
Chống hạn mặn cho vùng chuyên canh sầu riêng

Với gần 22.000 ha vườn sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây, tỉnh Tiền Giang đặc biệt chú trọng thích ứng hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và phát triển vùng chuyên canh này. Theo đó, tỉnh quan tâm đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN