Các doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, chủ yếu là doanh nghiệp đóng tàu do Trung ương quản lý. Số nợ bảo hiểm xã hội đã tồn tại từ nhiều năm nay. Những doanh nghiệp điển hình nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn có thể kể đến như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đóng tàu Nam Triệu lên tới hơn 162 tỉ đồng; Công ty cổ phần Lisemco gần 66,2 tỉ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đóng tàu Bạch Đằng trên 57,9 tỉ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận hơn 19,7 tỉ đồng…
Tính đến tháng 9/2019 địa bàn thành phố hầu như không có doanh nghiệp nợ lương người lao động từ 3 tháng trở lên. Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kai Yang Việt Nam, đến nay, chỉ nợ lương người lao động 1 tháng (tháng 8), với tổng số tiền gần 9,5 tỉ đồng. Đối với doanh nghiệp này, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV tạo điều kiện cho công ty được nhận tiền từ nguồn bán hàng để có kinh phí chi trả cho người lao động. Dự kiến, việc thanh toán lương tháng 8/2019 cho người lao động sẽ được thực hiện trong tháng 10/2019.
Theo Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng Nguyễn Bách Phái, nhằm hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới, Sở đã đề nghị UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, UBND các quận, huyện chủ trì tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương nắm chắc tình hình biến động về việc chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trên cơ sở đó, nắm tình hình quan hệ lao động ở những doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm xã hội cao, tránh gây bức xúc cho người lao động. Đặc biệt, đảm bảo việc thanh toán chế độ bảo hiểm, chế độ nghỉ hưu trí cho lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Ba tháng còn lại của năm 2019, Sở tiếp tục theo dõi diễn biến về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung những doanh nghiệp có số lao động lớn, lao động làm hàng gia công xuất khẩu, kịp thời phát hiện mâu thuẫn trong doanh nghiệp. Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp đối thoại với người lao động khi có mâu thuẫn phát sinh, tránh xung đột về lợi ích, tạo nên các cuộc ngừng việc tập thể.
Bảo hiểm xã hội thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Ngành Bảo hiểm xã hội chủ động phát hiện những đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng nhiều, hoàn thiện hồ sơ chuyển Tòa án nhân dân thành phố xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản của UBND thành phố kiến nghị các bộ, ngành là chủ sở hữu doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, tích cực có biện pháp nộp tiền bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Liên đoàn Lao động thành phố chủ trì, phối hợp với các địa phương giải quyết tốt việc hòa giải khi có tranh chấp lao động xảy ra tại doanh nghiệp.