Thời gian qua, ngành chức năng cũng như cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương nhận được nhiều đơn, thư phản ánh, khiếu nại của người lao động. Nhiều vụ việc phải đưa ra tòa giải quyết, nhiều trường hợp người lao động tìm đến tận cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để đề nghị được bảo vệ quyền lợi.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 31/3/2019, các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 643 tỉ đồng. Trong đó, 15 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài từ 12 tháng trở lên, với tổng số tiền gần 41 tỉ đồng đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chị Nguyễn Thị Kiều Tâm, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Khai thác đá 621 (thị xã Dĩ An) chia sẻ: Công ty nợ bảo hiểm xã hội trên 11 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay, do không đủ khả năng kinh tế chi trả. Chị và những người lao động khác trong Công ty đang bị mắc kẹt, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh nên phải trả chi phí rất cao khi ốm đau. Nhiều nhân viên muốn nghỉ hưu, hay muốn chuyển đổi công việc, xử lý các chế độ ốm đau, thai sản... nhưng do không lấy được sổ bảo hiểm xã hội nên không được xác nhận sổ bảo hiểm xã hội và giải quyết.
Ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Cơ quan bảo hiểm xã hội thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không chấp hành, có doanh nghiệp trả nợ kiểu “nhỏ giọt” hoặc có đơn vị, doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, không còn điều kiện thi hành án... Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ bị tính lãi khá cao (nợ từ 1 tháng trở lên) nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì.
Theo quy định, khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, ngành chức năng có thể khởi kiện ra tòa án. Trước khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp có thể khởi kiện ra tòa án dân sự đối với hành vi nợ đọng bảo hiểm xã hội của đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên hiện nay, theo quy định mới, tổ chức Công đoàn sẽ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp chứ không còn là cơ quan bảo hiểm như trước đây. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 vẫn đang chờ các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn triển khai, nên việc xử lý nợ đọng theo Điều 216 chưa thể thực hiện được”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương khẳng định.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Từ tháng 5/2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ 74 đơn vị với số tiền nợ là 112 tỷ đồng cho tổ chức Công đoàn để khởi kiện theo quy định. Tổ chức Công đoàn đã nộp ra Tòa án nhân dân thị xã Bến Cát 1 hồ sơ nhưng bị trả lại do không đủ lý do khởi kiện. Khi thực hiện trình tự khởi kiện doanh nghiệp thì Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp phải đứng ra khởi kiện, trong khi đó Chủ tịch Công đoàn cơ sở cũng là người lao động hưởng lương doanh nghiệp, sẽ gặp rất nhiều bất lợi và thủ tục phức tạp. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khó khăn về trình tự, thủ tục nên hiện nay tổ chức Công đoàn vẫn chưa khởi kiện được.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã có đề xuất, kiến nghị lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh và có quy định mới về các biện pháp chế tài, xử lý theo hướng tăng mức xử phạt; kiến nghị các cơ quan Tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn và quy định cụ thể hành vi nào đủ yếu tố xử lý hình sự... Hiện nay, 15 hồ sơ doanh nghiệp chuyển qua xử lý hình sự tại tỉnh Bình Dương còn vướng quy trình, thủ tục trong quá trình xử lý.