Để dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để đưa các nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động và hoàn thiện hệ thống cống thu gom. Tuy nhiên, câu trả lời bao giờ các dòng sông ở Hà Nội được xanh thì vẫn đang bỏ ngỏ.Cần chế tài mạnhUBND thành phố Hà Nội khẳng định, tình trạng ô nhiễm trầm trọng trên các sông đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người dân cũng như cảnh quan tại khu vực dòng sông chảy qua.
Các bè thủy sinh thả trên dòng sông Tô Lịch, góp phần tạo cảnh quan và giảm ô nhiễm dòng nước. |
Trả lời câu hỏi, với tình hình như vậy thì khi nào các dòng sông hết ô nhiễm? ông Phan Hoài Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: “Xác định cụ thể thời gian nào để sông hết ô nhiễm là rất khó. Tôi nghĩ rằng theo lộ trình thực hiện QĐ số 725/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì các sông trên địa bàn Hà Nội mới có thể hết ô nhiễm”. Theo ông Minh, ngoài việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thoát nước, thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, cá nhân kinh doanh xả thải trực tiếp ra sông mà chưa qua xử lý. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất chấp lợi nhuận, chịu nộp phạt còn hơn phải bỏ kinh phí lớn để xây dựng công trình xử lý nước thải.
Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Cầu Giấy cho biết, trong năm 2014 thực hiện chức năng được giao, phòng đã phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra 66 cơ sở sản xuất, xả thải ra sông Tô Lịch, đoạn chảy qua địa bàn. Kết quả, lập biên bản vi phạm hành chính 38 cơ sở, với số tiền 144 triệu đồng. Mỗi năm quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra hai lần, số cơ sở đã kiểm tra, xử phạt tái phạm lại chiếm khoảng gần 30%. Theo ông Trần Đình Cường, Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy, chúng ta cần có cơ chế xử phạt đủ mạnh, để các cá nhân và cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành, trước khi xả nước thải ra sông.
Nhiều giải pháp tích cựcSở TN&MT cho biết, từ năm 1995 đến nay, thành phố bắt đầu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm sông và cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước, cải tạo các hệ thống thoát nước và xây dựng trạm xử lý nước thải… Đặc biệt, thành phố đã xây dựng chính sách xã hội hóa, cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và có hiệu quả trong lĩnh vực này. Trong Dự án thoát nước cải thiện môi trường giai đoạn II đang triển khai, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đường cống thu gom và cơ sở xử lý nước thải.
Dự báo của TP Hà Nội, dân số thành phố đến năm 2020 sẽ tăng lên 7,5 triệu người và tăng lên 10,0 triệu người vào năm 2050. Năm 2020, nhu cầu sử dụng nước của cả thành phố là 1,6 triệu m3/ngày, năm 2050 là gần 3,1 m3/ngày. Lượng nước thải của thành phố Hà Nội cũng sẽ tăng lên rất nhiều, nguy cơ gây ô nhiễm các con sông càng cao. |
Hiện nay, thành phố đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), duy trì các trạm xử lý nước thải sinh hoạt Kim Liên, Trúc Bạch, giải quyết một phần nhu cầu xử lý nước thải đầu nguồn sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét. Đồng thời, chuẩn bị hoàn thành và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (13.300 m3/ngày đêm) và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày đêm) tại huyện Thanh Trì, Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô (công suất 84.000 m3/ngày đêm) tại quận Nam Từ Liêm... Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 16 công trình xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có 6 cụm công nghiệp đã khởi công và 1 cụm công nghiệp đã đưa vào vận hành, các cụm công nghiệp còn lại sẽ hoàn thành cuối năm 2015.
Ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) khẳng định: “Hà Nội sẽ triển khai xây dựng cống gom nước thải dọc tuyến sông để chuyển về điểm xử lý tập trung, kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông, thường xuyên các hoạt động vớt rác và nạo vét lòng sông thì chắc chắn sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Lãnh đạo và các cơ quan ban ngành, nhân dân thành phố Hà Nội đều mong muốn và quyết tâm thực hiện, để trả lại màu xanh cho các dòng sông, là mạch sống của Thủ đô”.