Hà Nội mất dần những dòng sông xanh - Kỳ 1


Các con sông ở Hà Nội đã đi vào thi ca, lịch sử với cảnh trên bến dưới thuyền trù phú, nước mát trong xanh. Giờ đây, các con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen sệt đặc quánh và bốc mùi hôi thối, vì lòng sông bị biến thành nơi chứa nước thải chưa qua xử lý của cả thành phố Hà Nội.

Sông bị đổi tên


Sông Tô Lịch ngoài những đoạn đã được cống hóa thì đoạn dọc đường Bưởi đến Ngã Tư Sở, dọc Kim Giang về đến khu vực Cầu Bươu đều lộ thiên. Sông Tô Lịch là nơi tiếp nhận chính nước mưa và đủ loại nước thải chưa qua xử lý của thành phố (nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp...) và cả nước bẩn từ sông Kim Ngưu, sông Lừ nhập vào, nên dọc tuyến dòng sông đều bị ô nhiễm nặng, nước đen kịt, đọng váng, sủi bọt bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ngày nào cũng có công nhân vớt rác trên các sông nội đô, nhưng vớt ngày này thì ngày mai lại có rác.


Ông Hoàng Văn Cẩm, 70 tuổi, số nhà 119, đường Giáp Nhất, phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), ở bên cạnh dòng Tô Lịch từ nhỏ nên biết được sự thay đổi của dòng sông này như thế nào. Ông Cẩm cho biết, sông Tô Lịch ô nhiễm nhiều năm, thường xuyên bốc mùi hôi thối nên người dân quanh đây đều gọi là “sông thối”. Trước kia, lòng sông rộng, nước trong, người dân còn ra sông tắm giặt và bắt tôm, cá, hái rau húng Láng về ăn. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước thành phố triển khai công tác nạo vét, đắp hai bên sông, năm 2003 tiến hành kè, nhưng dòng sông cứ dần bị ô nhiễm ngày một nặng. Ông Tùng mời chúng tôi vào nhà, rồi ra đóng cửa lại, bật sáng đèn điện. Ông Tùng bức xúc nói: “Sông Tô Lịch ở đoạn này giờ như cái mương nước thải hôi thối nên nhà tôi thường xuyên phải đóng cửa. Cả gia đình đều có vấn đề về đường hô hấp, nên ai cũng sợ”.

Kết quả quan trắc chất lượng nước của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho thấy, các sông nội đô đều bị ô nhiễm chất hữu cơ, amoni, coliform và dầu mỡ. Nước sông trong tình trạng yếm khí, hàm lượng oxy hòa tan thấp hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần; hàm lượng coliform gấp hàng trăm đến hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng anomi cũng vượt tiêu chuẩn từ 20 - 40 lần; hàm lượng dầu mỡ vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 5 - 10 lần.

Cùng chung số phận, sông Kim Ngưu hay còn gọi là con sông Trâu Vàng, thì giờ đây dòng sông từ Lò Đúc đến Yên Sở đã thành màu đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Quán cà phê Mây Trắng, số 106, ngách 299/76, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), sát bên sông Kim Ngưu vắng tanh khách, trông rất điều hiu. Thấy tôi vào, bà chủ quán tháo khẩu trang bịt trên mặt, đứng dậy xởi lởi chào khách. Trò chuyện hoạt động kinh doanh của quán, chị Nguyễn Thị Thanh Loan ngao ngán nói: “Quán mở hơn hai năm rồi, thời gian đầu khách đến khen không gian đẹp, nhưng gặp ngày nắng nóng sông bốc mùi hôi thối, họ đứng dậy trả tiền rồi về, từ đó mất khách dần. Gia đình trồng nhiều cây xanh để giảm bớt mùi thối từ dòng sông nhưng không được. Dỡ bỏ thì không đành, tôi cứ để vậy, được khách nào hay khách nấy”.

Cách quán cà phê Mây Trắng khoảng 50 m, mấy cụ bà ngồi rôm rả trò chuyện. Tôi lại gần và hỏi về sông Kim Ngưu. Bà Mỹ Hưng, 68 tuổi cho biết, người dân dọc sông này thường đóng kín cửa, không dám cho trẻ em ra bờ sông chơi, vì sông quá ô nhiễm. Các anh nhìn sẽ thấy, nước sông đóng váng, đen ngòm, mùi hôi thối. Lâu ngày chị em mới ra đây ngồi, nhưng phải bật quạt để đẩy mùi hôi đi, chứ không chịu được. “Năm 1977 lúc là sinh viên y khoa, tôi được điều đi làm lao động xã hội chủ nghĩa nạo vét và mở rộng sông này. Trước kia, dòng sông hẹp, có nhiều loại rau xanh nên nước trong, người dân còn dẫn nước về làm ruộng và đào ao thả cá, chăn nuôi gà vịt… Bây giờ nhà san sát, khu đô thị ngày một nhiều, công ty và xí nghiệp mọc lên như nấm, tất cả đều xả thải ra dòng sông, thì hỏi sao không ô nhiễm”, bà Hưng tâm sự.

Mương nước thải


Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, một ngày đêm có khoảng trên 500.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp của TP Hà Nội chưa qua xử lý, xả thẳng ra các dòng sông. Hiện nay, các nhà máy xử lý nước thải chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu nước thải của thành phố cần xử lý.

Quan sát kỹ mức độ xả nước từ các cống từng thời điểm khác nhau, thường buổi trưa, buổi tối thì lượng nước thải ra sông rất nhiều, mực nước sông dâng cao khoảng 50 cm. Chị Trương Thị Hà bán nước ở số 559 đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) phản ánh: “Vào buổi trưa các công ty xả nước thải ra khu vực này màu đỏ, màu xanh, mùi hóa chất rất khó chịu”. Đúng 11 giờ, chị Hà lấy khẩu trang bịt kín mặt và chỉ tay xuống vị trí cống thoát nước nói, họ bắt đầu xả rồi đấy.

Chị Hà dẫn chúng tôi lần theo đường cống, ở phía cuối là Công ty CP Dệt Minh Khai. Làm việc với phóng viên, ông Vũ Đình Lân, phụ trách hành chính công ty cho biết: “Công ty sản xuất khăn xuất khẩu, một tháng sản lượng khoảng 40 tấn, hiện công ty chưa có hệ thống xử lý nước thải, công đoạn sản xuất có dùng hóa chất và phẩm màu nhưng chỉ qua bể lắng rồi thải ra sông Kim Ngưu”. Ông Lân còn cho biết, trước năm 2008 quy mô sản xuất của công ty lớn hơn gấp nhiều lần, gần nghìn công nhân, bây giờ chỉ còn 200 người. Theo kế hoạch, công ty sẽ phải di dời vào năm 2017, nên không đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, từ trước đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra...

Kỳ 2: Dòng sông thành bãi rác
Việt Hoàng - Thu Trang
Hà Nội mất dần những dòng sông xanh - Kỳ cuối
Hà Nội mất dần những dòng sông xanh - Kỳ cuối

Để dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để đưa các nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động và hoàn thiện hệ thống cống thu gom. Tuy nhiên, câu trả lời bao giờ các dòng sông ở Hà Nội được xanh thì vẫn đang bỏ ngỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN