Để đảm bảo tiến độ trên, UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Hà Nội (Urenco) phối hợp, huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương thu dọn rác trên địa bàn.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Urenco xác nhận, ngay sau khi nhận được đề nghị phối hợp, phía đơn vị đã huy động 5-7 xe chuyên dụng, mỗi xe trọng tải khoảng 10 tấn, cùng một số công nhân để vận chuyển rác ùn ứ tại Nam Từ Liêm đưa đến nơi xử lý theo quy định. Đơn vị cũng cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà UBND quận Nam Từ Liêm giao.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường, khoảng 200 tấn rác đang bị ùn ứ nhiều ngày trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Có thể dễ dàng nhận thấy, rác được chất đống tại các khu vực đường Đỗ Đức Dục, nhiều xe gom xếp hàng dài bốc mùi hôi thối. Tại đường Lê Đức Thọ và Nguyễn Hoàng, rác được tập kết tràn cả xuống lòng đường, làm người tham gia giao thông khó khăn. Khu vực bến xe Mỹ Đình cũng đang trong tình trạng tồn tại nhiều rác thải, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan. Còn trên Đại lộ Thăng Long, gần cổng làng Mễ Trì, rác chất đống cao gần ngang đầu người, khiến người dân đi qua ngán ngẩm vì mùi hôi thối.
Về nguyên nhân dẫn đến ùn ứ rác, UBND quận Nam Từ Liêm lý giải, do công nhân của Công ty công nghệ cao Minh Quân (Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội), phụ trách thu gom rác trên địa bàn nghỉ việc tập thể. Cùng với đó, nhiều xe cuốn ép của doanh nghiệp cũng đang bị hỏng, dẫn đến ùn ứ rác trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020, thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty công nghệ cao Minh Quân) trúng thầu duy trì vệ sinh môi trường. Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này để xảy ra tình trạng ùn ứ rác trên địa bàn.
Để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chính quyền địa phương, nhân dân phối hợp với nhà thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực hiện thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt, không để tồn đọng; có phương án tăng cường phục vụ khi khối lượng rác thải phát sinh tăng hơn; lập phương án dự phòng để kịp thời xử lý sự cố ùn ứ rác có thể xảy ra.