Biến trào lưu thành thói quen
Trào lưu dọn rác làm sạch môi trường hiện nay không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ mà đã trở thành hoạt động thường niên trong các các đơn vị bộ đội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người dân…
Vào những ngày cuối tuần, để "nuôi" trào lưu dọn rác thành một hoạt động định kỳ và khẳng định đây không chỉ là trào lưu, bạn Đoàn Phùng Gia Huy, sinh viên năm 2 đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, lại cùng các bạn sinh viên ở làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (làng đại học - quận Thủ Đức) tham gia dọn rác tại chính nơi mình đang sinh sống.
Để chuẩn bị cho buổi đi nhặt rác, trước đó, Đoàn Phùng Gia Huy đã đăng status rủ mọi người cùng đi nhặt rác. Những ngày đầu, ngoài Huy có thêm 4 bạn sinh viên khác cùng tham gia. Dần dần, hình ảnh các chàng sinh viên làng đại học tham gia dọn rác đã khiến các thành viên trên các trang cộng đồng của làng đại học "dậy sóng". Đến nay group dọn rác tại làng đại học đã có khoảng 300 thành viên tham gia.
Đa số thành viên tham gia group dọn rác tại làng đại học đều thống nhất duy trì hoạt động dọn rác hai lần/tháng tại khu vực xung quanh làng đại học. Nhờ hành động nhỏ của các bạn sinh viên, đến nay xung quanh làng đại học đã giảm bớt ô nhiễm do lượng rác thải được người dân vứt ra hàng ngày.
Đoàn Phùng Gia Huy cho biết, huy động mọi người dọn rác trong một hoặc hai ngày không khó, nhưng cái khó là làm sao duy trì hoạt động này thường xuyên và vận động sinh viên, người dân nâng cao ý thức không xả rác ra môi trường. Việc làm này để tạo thói quen cho mọi người bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi.
Từ trào lưu tự phát trên mạng xã hội, “dọn rác check in” bùng lên từ tháng 3 đến nay thì tạm lắng. Tuy nhiên, khi nó vừa tạm lắng xuống thì tại nhiều tỉnh thành phong trào “Ngày chủ nhật xanh” cũng đã nhen nhóm. Theo đó, nhiều địa phương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức ra quân làm sạch, vệ sinh môi trường tại bờ biển, khu phố, công viên, khu vui chơi, khu vực công cộng… với sự tham gia đông đảo của đội ngũ từ cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên, tổ dân phố, nhân viên văn phòng, người dân tại địa phương… Chẳng hạn, đầu tháng 6 vừa qua, 100 bạn tình nguyện viên của công ty TNHH La Vie và người dân tại tỉnh Long An đã hào hứng tham gia dọn dẹp rác thải tại các khu vực kênh, bờ sông, bến tàu Tân Tập (Long An). Đây là những địa điểm luôn “quá tải” về rác thải tại tỉnh Long An. Hoặc gần đây nhất, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND huyện Cần Giờ đã huy động các tình nguyện viên và người dân địa phương tham gia dọn dẹp sạch sẽ các loại rác thải tại bờ biển Cần Giờ trong 2 ngày.
Thay đổi ý thức người dân
Hiệu quả có thể thấy sau khi dọn rác ở các bãi biển, khu phố, đường sá, khuôn viên, các khu vực công cộng sạch sẽ hơn; nhiều khu vực rác lưu cữu lâu năm được dọn dẹp phát quang, đường phố được chỉnh trang đẹp hơn. Hiệu quả cao hơn là phong trào hô hào dọn rác cũng đã ít nhiều tác động vào nhận thức của mọi người, từ đó người dân sẽ giảm bớt việc vứt rác bừa bãi, có ý thức dọn rác ở xung quanh nơi mình sinh sống hơn. Thậm chí gần đây, ngày càng có nhiều người dân không ngại ngùng dừng lại nhặt rác dọc đường và bỏ vào đúng nơi quy định.
Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, ô nhiễm môi trường hiện có thể xem là một vấn nạn của toàn xã hội. Bên cạnh việc phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thì thói quen xả thải rác bừa bãi không đúng quy định, việc sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa và túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày cũng góp phần làm cho môi trường bị ô nhiễm ngày trầm trọng hơn.
"Gần đây có không ít hội, nhóm, các đơn vị, doanh nghiệp liên tục về Cần Giờ đăng kí dọn rác làm sạch môi trường biển cho huyện. Có người tham gia nhiều lần, có người tham gia lần đầu tiên. Tuy nhiên, ít nhất từ “dọn rác” đã một lần in dấu vào suy nghĩ và sẽ đi vào ý thức của họ, từ đó phần nào sẽ hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi trong người dân", ông Trương Tiến Triển cho biết.
Với hơn 10 năm tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường cùng cộng đồng, chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết tất cả các phong trào, trào lưu dọn rác hay “ngày chủ nhật xanh”, “hạn chế rác thải nhựa”, “làm sạch môi trường sống”… đều hướng đến mục tiêu chính là làm sạch và bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, công việc này cần phải được thực hiện một cách bền bỉ, trong một chiến lược bài bản, đồng bộ và khoa học để đạt hiệu quả lâu dài. Tránh rơi vào tình trạng trào lưu, phong trào một thời gian rồi lại vụt tắt như nhiều trào lưu khác.
Có thể thấy, phong trào dọn rác là hành động tốt, tuy nhiên khi tham gia dọn rác nhiều bạn trẻ, người dân, tình nguyện viên cũng lo lắng khi giẫm hay cầm phải kim tiêm. Vì vậy, chị Châu Ngọc Cẩm Vân cũng cảnh báo: Khi tham gia dọn rác, các tình nguyện viên, người dân... cần trang bị giày có đế chắc chắn, nhìn thật kỹ và nên có kẹp gắp, bao tay... hạn chế dùng tay trực tiếp nhặt rác.
Trong trường hợp không may giẫm phải kim tiêm, trước tiên cần bình tĩnh, lấy các dụng cụ gây tổn thương ra khỏi cơ thể, rửa trực tiếp vết thương dưới vòi nước sạch trong ít nhất 5 phút nhằm gột rửa bớt phần máu và dịch tiết lây nhiễm sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn và băng vết thương bằng gạc, băng cuộn hay băng cá nhân để cầm máu. Đặc biệt, khi giẫm phải kim tiêm, tuyệt đối không nặn máu, chỉ cần rửa vết thương bằng nước sạch và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý các bước dự phòng phơi nhiễm tiếp theo.