Đó là chia sẻ của ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh khi nói về việc thực hiện triển khai Đề án đô thị thông minh trên địa bàn hiện nay.
Theo ông Dương Anh Đức, đề án đô thị thông minh là đề án có nhiều nội dung triển khai trên phạm vi toàn thành phố với quy mô lớn, phải thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển ứng dụng cơ sở hạ tầng hiện tại, không phải là xây dựng mới. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của các thành phố tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của TP Hồ Chí Minh. Do đó, trong thời gian vừa qua, thành phố chỉ mới tập trung trong việc xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể, đồng thời thực hiện triển khai thí điểm, thử nghiệm một số nền tảng, hệ thống ứng dụng để từ đó có sự đánh giá, điều chỉnh phù hợp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, qua 18 tháng triển khai Đề án đô thị thông minh, thành phố đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như: CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… Đồng thời, thành phố cũng thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở (tại http://data.hochiminhcity.gov.vn) và cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công.
Hiện thành phố đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu từ hơn 1.000 camera giám sát của Sở Giao thông vận tải, UBND các quận 1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp; kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử… Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành một số công việc cụ thể của việc xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; thành lập trung tâm an toàn thông tin.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, khi triển khai Đề án đô thị thông minh, thành phố vẫn gặp phải khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là triển khai một số CSDL quốc gia còn chậm; việc tích hợp dữ liệu tự động với CSDL quốc gia, hệ thống thông tin hiện có của các bộ, ngành không dễ dàng. Nguyên nhân là do điều kiện dữ liệu hiện hữu cũng như khả năng thu thập thông tin từ nguồn dữ liệu quốc gia, dữ liệu dùng chung của thành phố chưa thống nhất, đồng bộ với nhau.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng đô thị thông minh của thành phố còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, hệ thống vận hành đề án đô thị thông minh đã có nhưng việc kết nối với nhau, nhất là tại các sở, ngành, đơn vị chưa thông suốt. Các sở, ngành khi triển khai còn thiếu đồng bộ, thống nhất, thiếu tính chủ động, vẫn còn tình trạng vừa làm vừa chờ đợi các sở, ngành khác triển khai nên chậm tiến độ đề ra. Công tác tuyên truyền chưa đạt hiểu quả nên người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học chưa tích cực tham gia đề xuất các giải pháp, ý tưởng, sáng kiến xây dựng đô thị thông minh, cũng như chưa thường xuyên sử dụng, khai thác các tiện ích, dịch vụ thông minh.
Để giải quyết các khó khăn trên, ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải cùng nhau nỗ lực tăng tốc thực hiện các mục tiêu đề ra, vượt qua những khó khăn, phát huy mọi tiềm lực sáng tạo của người dân thành phố; tích cực cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh đạt đúng yêu cầu, tiến độ đề ra. Ngoài ra, ông Phong cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của người dân thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong suốt quá trình triển khai thực hiện đề án, sớm đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thông minh sánh với các nước trên thế giới và khu vực.