Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh 

Những chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 54 đã và đang tạo thuận lợi để TP Hồ Chí Minh triển khai nhanh Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước và chất lượng đời sống nhân dân.

Chú thích ảnh
Trung tâm TP Hồ Chí Minh nhìn từ khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh: Anh Đức/TTXVN

Từ những nền tảng thực hiện năm 2018, TP Chí Minh dự kiến có những triển khai mạnh mẽ trong năm 2019 với những bước đi cụ thể từ các trung tâm trụ cột của Đề án.

Địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước

Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” được phê duyệt tháng 11/2017. Đề án tập trung nâng cao hiệu quả quản trị của Nhà nước thông qua sự kết nối của hệ thống dữ liệu, cũng như tạo ra các tiện ích giúp người dân và doanh nghiệp tham gia. Trong đó tập trung 4 nội dung chính gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố; xây dựng Trung tâm An toàn thông tin của thành phố. 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ cuối năm 2017, thành phố đã ban hành Đề án và là địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề đặc trưng của đô thị lớn trong quá trình đô thị hóa như áp lực dân số ngày càng tăng, vượt quá khả năng phục vụ của hạ tầng như giao thông, nhà ở, cấp nước, y tế, giáo dục, môi trường... Trong khi thành phố có nhiều lợi thế là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trình độ lao động có bằng đại học cao chiếm chiếm 28%, có nhiều trường đại học, cảng hàng không, cảng biển lớn của cả nước.

Trong quá trình triển khai Đề án, TP Hồ Chí Minh xác định xây dựng cho được kho dữ liệu dùng chung, hệ sinh thái dữ liệu mở, tạo nền tảng quan trọng cung cấp thông tin dữ liệu để có thể vận hành, quản trị đô thị. Đơn cử, việc tích hợp các thông tin giao thông giữa các cơ quan quản lý, cùng với dữ liệu các chủ phương tiện tham gia trên đường sẽ giúp nâng cao khả năng quản lý nhà nước, giảm tai nạn, tránh ùn tắc… Trong khi đó, Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị, ưu tiên áp dụng các chuẩn công nghệ mở, cho phép tích hợp các tính năng bổ sung khi cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu điều hành tổng thể của lãnh đạo thành phố. 

Đối với Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trước mắt sẽ mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2015 - 2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan liên quan. Từ năm 2021, Trung tâm sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với các lĩnh vực thuộc Đề án đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, thành phố cũng chủ trương thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển công nghiệp điện tử viễn thông theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mạng viễn thông 5G.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, mục tiêu quan trọng của Đề án nhằm giúp thành phố phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, kéo dài bức xúc như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng cường sự tương tác giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn; một công ty an ninh thông tin; 2 trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội.

Để thực hiện Đề án nhanh chóng và thuận lợi, theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nên kết hợp vận dụng chủ trương của Nghị quyết số 54 (từ thuê chuyên gia đến vấn đề đất đai) để triển khai thuận lợi, tránh vướng mắc phát sinh. Trong đó, có thể áp dụng cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học từ các đề án của Nghị quyết số 54 trong Đề án đô thị thông minh này.

Để tìm nguồn lực từng bước thực hiện đề án, tháng 9/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã tổ chức Hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.

Từng bước đưa vào vận hành các trung tâm trụ cột

Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, năm 2018, thành phố chủ yếu sử dụng sức người, chưa sử dụng nhiều về tài chính. Năm 2019 là năm bản lề, bắt đầu có những công việc trực tiếp, đấu thầu, lựa chọn các đối tác, thực hiện quy mô lớn. Đây là Đề án lớn, phải triển khai thận trọng và đồng bộ, bởi nếu sốt ruột, lo xử lý ngay những vấn đề thức thời sẽ dẫn đến tình trạng sẽ không có tính hệ thống và khó tối ưu. 

Qua một năm triển khai thực hiện Đề án, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu hình thành 4 trụ cột của đề án và bắt đầu vận hành từ đầu năm 2019. Dự kiến, tháng 1/2019, Kho dữ liệu dùng chung của thành phố - giai đoạn 1 đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung (trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành thành phố). Cũng trong thời gian này, thành phố sẽ vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1) tại UBND thành phố; công bố thành lập Phòng mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội của thành phố (giai đoạn 1) tại Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11. 

Trong quý 1 năm 2019, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn sẽ hoàn thành việc thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm An ninh thông tin sẽ được vận hành dưới dạng công ty cổ phần nhằm huy động được các chuyên gia công nghệ thông tin về làm việc. Bởi nếu là đơn vị nhà nước, hành chính chịu ràng buộc về cơ chế chính sách sẽ khó thu hút được chuyên gia giỏi cho lĩnh vực an toàn thông tin.

Nói về giải pháp cụ thể trong triển khai Đề án, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố sẽ đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp mở về dân cư, kinh tế, giáo dục, giao thông… đồng thời xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho cấp thành phố, các sở, ngành, quận, huyện gắn với đảm bảo an toàn thông tin, an toàn cho hệ thông hạ tầng viễn thông, an ninh mạng.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, thành phố có thuận lợi trong triển khai Đề án, nhất là trong việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, trước đó thành phố đã có những ứng dụng công nghệ thông tin từ những giai đoạn đầu, trong quá trình đó, tạo được một số cơ sở dữ liệu. Thay vì “đập bỏ”, thành phố tận dụng và có chuẩn hóa với lộ trình  để các ứng dụng sau đi theo ứng dụng chung của thành phố. Thành phố cũng đã ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử phục vụ cho đô thị thông minh.

Trên cơ sở các kết quả triển khai, dự kiến Quý 3 năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt Khung kiến trúc đô thị thông minh, tổ chức triển khai trong toàn thành phố.

Bài cuối - Liên kết phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông

Tiến Lực - Thu Hoài (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh cần thu hút đầu tư và nhân tài để xây dựng đô thị thông minh
TP Hồ Chí Minh cần thu hút đầu tư và nhân tài để xây dựng đô thị thông minh

Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng đô thị thông minh, thành phố TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào các chính sách thu hút đầu tư và giữ chân nhân tài, đào tạo nguôn nhân lực kế thừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN