‘Gồng gánh’ lượng xe gấp 8 lần, cầu Chương Dương xuống cấp cần sửa chữa tổng thể

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên (Hà Nội) được hoàn thành vào năm 1985. Sau hơn 30 năm khai thác, mặc dù được sửa chữa định kỳ nhiều lần, nhưng hiện nay do mỗi ngày cầu "gồng gánh" tới hơn 95.000 lượt xe các loại qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế, khiến nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng nặng, xuống cấp... Và người tham gia giao thông quan ngại trước tình trạng này.

Người tham gia giao thông qua cầu Chương Dương hàng ngày đều phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm sáng từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ, chiều từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút tại hai khu vực đường dẫn lên cầu phía đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) do lưu lượng xe vào các thời điểm này gia tăng, chen chúc nhau không theo hàng lối.

Video ghi nhận các hạng mục xuống cấp của cầu Chương Dương: 

Đi dọc cầu Chương Dương, không khó để nhìn thấy những hư hỏng, xuống cấp của cầu như: Tình trạng bong tróc bê tông trơ sắt, hai bên lan can thành cầu hoen rỉ, mối nối khe co giãn bị vỡ trơ cốt thép, lớp bê tông nhựa mặt cầu bong tróc thành những ổ gà chằng chịt, lỗ thoát nước mất nắp ga, chân thành cầu nứt rộng, cột điện chiếu sáng bung nắp hộp kỹ thuật, lớp cao su giảm xóc mặt đường bị bung vỡ...

Nhiều người qua cầu tỏ ra quan ngại về tình trạng xuống cấp này, khi hàng ngày đều phải sử dụng cầu, nhưng mỗi khi đi qua các điểm khe co giãn, cầu đều rung lên bần bật. Thực tế, các khe co giãn cũ đang xuất hiện tình trạng bề mặt mấp mô, nứt với độ rộng 5 - 6cm, đã khiến một phần đường tách rời khỏi khe co giãn và thành cầu. Một số khe co giãn mặc dù đã được vá bê tông nhựa, nhưng do mật độ phương tiện qua lại đông, thường xuyên, nên nhanh chóng bị bong bật, gập ghềnh.

Chú thích ảnh
Tình trạng bong tróc bê tông trơ sắt, hai bên lan can thành cầu hoen rỉ, khiến cầu Chương Dương trở nên nhếch nhác.  
Chú thích ảnh
Mối nối khe co giãn bị vỡ trơ cốt thép. 
Chú thích ảnh
Mặt cầu bong tróc lớp bê tông nhựa, tạo thành những ổ gà chằng chịt.
Chú thích ảnh
Khe co giãn mặt cầu bị giãn rộng.

Thừa nhận nhiều bộ phận, kết cấu của cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: Lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối gây thấm nước xuống bên dưới. Điều này làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bê tông lưới thép dày 6cm, cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bê tông dày 14cm dưới hệ bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do rỉ cốt thép bên trong…

"Tuy nhiên, các hư hỏng trên chưa gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tính ổn định và khả năng chịu lực, nhưng nếu không có các giải pháp cải tạo, sửa chữa, gia cường kịp thời, thì trong tương lai gần sẽ không còn bảo đảm an toàn lưu thông cho các phương tiện, cũng như khiến cầu xuống cấp nhanh hơn”, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội nhận định.

Chú thích ảnh
Lỗ thoát nước mất nắp ga, nhìn xuống sâu hoắm.
Chú thích ảnh
Chân thành cầu nứt rộng.
Chú thích ảnh
Cột điện chiếu sáng bung nắp hộp kỹ thuật, hoen rỉ.
Chú thích ảnh
Khe co giãn nối giữa làn đường ô tô, xe gắn máy toang hoác.

Qua tìm hiểu, cầu có 11 khe co giãn, đã sửa chữa được 8 khe, còn lại 3 khe hư hỏng tại trụ T4, T7 và T8A (tương đương khe co giãn số 3, 7, 9 tính phía quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị duy tu đã sơn mới chống rỉ phần kết cấu thép khoảng 1.200 m2, thảm mặt cầu bằng bê tông nhựa 1.100 m2, vá ổ gà khoảng 150 m2, sơn kẻ bê tông 650 m2, sửa chữa khe cao su 6 m... Hiện nay, để chuẩn bị cho đợt sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương, các đơn vị duy tu đang chờ kết quả của cơ quan kiểm định. 

Chú thích ảnh
Lớp cao su giảm sóc mặt đường bị bung vỡ. 
Chú thích ảnh
Tình trạng lan can suốt dọc cầu xuống cấp. 
Chú thích ảnh
Lớp gạch ốp chân biểu tượng cầu Chương Dương đã bị bong vỡ từ lâu. 
Chú thích ảnh
Lớp bê tông ốp chân mố cầu cũng đã bị vỡ.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Chương Dương là cầu chịu tải trọng lớn trong thời gian dài trước khi có các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Tình trạng xuống cấp của cầu Chương Dương không thể cải thiện bằng việc bảo trì nhỏ lẻ, vì không xử lý triệt để được tình trạng hư hỏng do quá trình đưa vào khai thác đã lâu, cần đợt sửa chữa tổng thể. Sở GTVT đã báo cáo UBND Thành phố và được chấp thuận tiến hành dự án kiểm định cầu Chương Dương. Dự kiến, công tác kiểm định cầu Chương Dương sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021.

Chương Dương là cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, xây dựng trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn về nguồn lực để thi công công trình cầu lớn. Từ thời điểm hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác đến nay đã phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân giữa hai quận trung tâm nội thành Hà Nội và kết nối, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương...

Bài, ảnh, video: Sơn Vân/Báo Tin tức
Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe hợp đồng trên 16 chỗ trên cầu Chương Dương
Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe hợp đồng trên 16 chỗ trên cầu Chương Dương

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thực hiện việc hoàn thiện tổ chức giao thông một số tuyến đường trên địa bàn; trong đó thí điểm cấm xe hợp đồng trên 16 chỗ (thay thế biển phụ xe khách) trên cầu Chương Dương (chiều từ quận Long Biên đi quận Hoàn Kiếm) từ 6 giờ đến 19 giờ trong thời gian một tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN