Chương trình được tổ chức vào ngày 12/10, hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10. Chương trình cũng hướng tới cung cấp thông tin chi tiết tới sinh viên về thị trường lao động, cách làm hồ sơ xin việc, định hướng nghề nghiệp khi ra trường…
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và cho thanh niên, sinh viên nói riêng và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cuộc các mạng công nghiệp 4.0, sự hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mang theo nhiều thay đổi cho thế hệ trẻ. Trong lĩnh vực nhân sự, ứng viên ngày càng gặp những yêu cầu khắt khe hơn từ nhà tuyển dụng. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của quá trình sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, thất nghiệp. Công việc sẽ có sự thay đổi lớn về vị trí, chất lượng và cách thức. Ngoại ngữ, tin học sẽ là những yêu cầu phổ biến ở nhiều ngành, nhiều vị trí việc làm trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng đến việc trong bối cảnh của sự phát triển nhanh, mạnh của kỷ nguyên khoa học công nghệ, bối cảnh của những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVIDd-19 đến thị trường lao động, sự mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo dẫn đến lệch cân cung – cầu trong quan hệ lao động,… Những vấn đề này thúc đẩy Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kết nối việc làm và “Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Sự kiện này nhằm tạo diễn đàn để sinh viên tìm hiểu và có nhận thức về việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường cơ hội tìm hiểu các kỹ năng nghề cần thiết để có cơ hội tiếp cận việc làm bền vững. Đồng thời, tạo cầu nối giữa nhà trường - sinh viên - nhà tuyển dụng trong hoạt động xúc tiến việc làm và thúc đẩy sự tham gia của sinh viên trong quá trình hoạch định chính sách việc làm bền vững.
Theo TS Dương Kim Anh, việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ đối với bản thân sinh viên mà cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Do vậy, thông qua diễn đàn, sinh viên tìm hiểu và có nhận thức về việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường cơ hội tìm hiểu các kỹ năng nghề cần thiết để có cơ hội tiếp cận việc làm bền vững.”
Em Hà Trang, sinh viên năm cuối khoa Quản trị du lịch, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, tham gia diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong cách mạng công nghiệp 4.0 bởi rất quan tâm tới vấn đề việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là cơ hội việc làm phù hợp với ngành học và sở trưởng của mình. Bước đầu, em và các ban tiếp cận thị trường lao động và kinh nghiệm để tham gia phỏng vấn tại các doanh nghiệp…