Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hội thi thiết bị đào tạo tự làm là cơ hội để đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc chế tạo các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.
Hội thi là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, tạo phong trào tự làm thiết bị rộng rãi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tám, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất - Thiết bị (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thiết bị tham gia Hội thi phải là những thiết bị đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự làm và được áp dụng trong quá trình giảng dạy. Những thiết bị tham gia dự thi gồm: Dụng cụ, mô hình, thiết bị hoàn chỉnh, bộ phận của thiết bị, phần mềm và các phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng trong quá trình đào tạo.
Tham dự Hội thi lần thứ VII, năm 2022 có 57 tỉnh, thành phố tham dự, với tổng số thiết bị đăng ký dự thi là 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đăng ký hoạt động giáo đục nghề nghiệp. Các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông với 177 thiết bị chiếm 46%; Công nghệ Kỹ thuật cơ khí với 98 thiết bị chiếm 26%; Máy tính và Công nghệ thông tin với 30 thiết bị chiếm 8%; Tổng hợp với 76 thiết bị chiếm 20% (nhóm nghề Tổng hợp gồm các thiết bị của các nghề: Y tế; Xử lý nước thải; Nuôi trồng thủy sản; Thú y; Kỹ thuật xây dựng; Điêu khắc; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Sản xuất chế biến…).
“Với đa số thiết thị tự làm liên quan đến công nghệ kỹ thuật điện tử, điện tử và viễn thông nên nhiều giảng viên trẻ tham gia ứng dụng công nghệ mới”, ông Nguyễn Ngọc Tám cho biết.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giaos dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức hội thi, điểm nổi bật của Hội thi thiết bị đào tạo toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 có nhiều thiết bị dự thi ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (liên kết vạn vật), điều này chứng tỏ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận công nghệ để cải tiến, chế tạo thiết bị áp dụng hiệu quả trong quá trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Với số lượng thiết thị tham gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phản ánh sự quan tâm, đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà giáo trong việc nghiên cứu khoa học, sản xuất chế tạo các thị bị đào tạo tự làm phục vụ cho quá trình dạy và học hiệu quả, thiết thực đúng với yêu cầu của nội dung đào tạo và vị trí việc làm”, ông Đỗ Năng Khánh cho biết.