Lan tỏa, tôn vinh giá trị của kỹ năng lao động
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết: Ngày 1/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg lấy ngày 4/10 hằng năm làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Do đó, Bộ LĐTBXH tổ chức kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đúng vào ngày 4/10, nhằm khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.
Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng. Vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 hàng năm đã trở thành sự kiện đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN), là sự ghi nhận, tôn vinh đối với lao động có kỹ năng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau hai năm kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2020, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động.
Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động nói riêng đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề nghề được coi là động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và duy trì việc làm bền vững cho người lao động. Cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm; doanh nghiệp đang tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Bài học thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dự báo, cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Kỹ năng nghề là một trong 12 trụ cột để xác định năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu; chính vì khoảng cách kỹ năng mà 6% GDP của thế giới, tương đương 5 nghìn tỷ USD, bị mất mỗi năm. Vì lẽ đó, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, thể hiện qua thông điệp “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.
Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế nhận định, thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng, vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là kỹ năng của lực lượng lao động, các doanh nghiệp luôn phải tìm mọi cách để có được nhân lực có kỹ năng nghề cao, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; hiện đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư; có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động trong độ tuổi cần tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước, tập trung phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hai năm qua. kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm 2020 đến nay, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động. Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề nghiệp được coi là đơn vị tiền tệ mới, là động lực để phát triền nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.
Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực hoàn thiện Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực cùng đồng hành nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm, doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều kinh nghiệm và nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Đức, Pháp, các tổ chức quốc tế ILO, IOM, WB, GIZ…được tăng cường. Việc tiếp nhận, chuyển giao các chương trình đào tạo từ Australia và Cộng hòa liên bang Đức và đào tạo, nhân rộng đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường lao động. Nhờ đó, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trở thành trách nhiệm chung của cộng đồng.
Tôn vinh nhà giáo, tuyên dương HSSV tiêu biểu
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là một trong hai giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu Chiến lược. Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022 được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 năm 2022 càng góp phần làm nổi bật hơn những đóng góp của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng nghề cho đất nước; là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).
Do vậy, đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, động viên các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và giá trị xã hội của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình năm nay tôn vinh 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu, được giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 83 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Từ những nhà giáo tuổi đời còn trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1990) đến những nhà giáo lâu năm, có thâm niên gắn bó với nghề (có người lâu nhất là 38 năm), đều có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho thị trường lao động, được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Có những cô giáo không quản ngại khó khăn vất vả, vẫn một lòng yêu nghề, gắn bó với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại như một số cô giáo ở Đăk Nông, Lạng Sơn với gần 13 hay 17 năm giảng dạy nghề Cắt gọt kim loại. Có những nhà giáo nữ có thành tích rất cao được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì…
Cũng nhân dịp này, nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu; Xây dựng môi trường và tạo động lực cho học sinh, sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tổ chức Tuyên dương học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.
Các em là những người có thành tích xuất sắc toàn diện trong học tập; có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất nhì ba cấp trường trở lên, có sáng kiến trong học tập, lao động; có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được áp dụng hoặc có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế, cấp giấp phép xuất bản, đạt giải nhất nhì ba các cuộc thi cấp tỉnh. Đồng thời, đây cũng là những em có kết quả rèn luyện đạo đức xuất sắc, không vi phạm đạo đức, quy chế, nội dung của nhà trường, quy định của địa phương, pháp luật của Nhà nước; Tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội và các hoạt động tình nguyện cấp trường tổ chức trở lên, đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba các cuộc thi về pháp luật, tìm hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ cấp trường trở lên.
Kết quả tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 gồm 100 học sinh, sinh viên đến từ 48 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 62 học sinh, sinh viên là Nam, 38 học sinh, sinh viên là Nữ; 79 học sinh, sinh viên người dân tộc kinh và 21 học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số.
Trước đó, vào sáng ngày 4/10, các sinh viên và nhà giáo được tuyên dương đã đến viếng thăm và báo công trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.