Giữ chân bác sỹ trẻ

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã trao đổi với Báo Tin tức xung quanh các giải pháp để “giữ chân” các BS trẻ tại các vùng khó khăn.

 

´BS trẻ mới ra trường thường thiếu kinh nghiệm công tác. Vậy làm sao có thể đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, thưa ông?


Xác định các bác sĩ trẻ có thể chưa đảm nhận được nhiệm vụ khám chữa bệnh một cách độc lập nên Dự án chủ trương tiến hành đào tạo thêm cho các em để có bằng chuyên khoa cấp I (20 tháng) hoặc ít nhất có chứng chỉ chuyên khoa định hướng (10-12 tháng) rồi mới đưa các em về công tác tại các huyện. Trong thời gian đó, các cơ sở đào tạo và bệnh viện tuyến Trung ương tiếp tục cử người về địa phương để đào tạo, hướng dẫn BS trẻ theo nguyên tắc “cầm tay chỉ việc”.


´Các BS trẻ vốn không mặn mà với việc về công tác ở tuyến cơ sở, nhất là những vùng khó khăn. Vậy, Dự án có chính sách gì để giữ chân họ không?


Dự án đưa BS trẻ về công tác tại các vùng khó khăn do Bộ Y tế xây dựng thể hiện rõ những ưu điểm, thuận lợi và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo BS trẻ. Ngoài 2 ưu đãi đặc biệt (như đã nêu) thì các BS trẻ tham gia Đề án sẽ được hưởng những chế độ như: Áp dụng tính lương bậc 2 ngay (sau khi được cấp bằng chuyên khoa I), được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở công vụ, được ưu tiên xem xét cử đi học hoặc tham dự các kỳ tuyển sinh cao hơn. Nếu có nhu cầu ở lại địa phương thì được ưu tiên tiếp nhận, đề bạt, kết nạp Đảng, tạo điều kiện về đất ở… Nếu tính lương bậc 2, cộng các chế độ chính sách đang áp dụng tại vùng khó khăn, chế độ luân phiên cán bộ chuyên môn mà Thủ tướng mới ký ngày 20/2 và chế độ hỗ trợ theo Dự án thì mỗi BS sĩ trẻ sẽ có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương có thể giúp cán bộ trẻ ổn định cuộc sống trong thời gian cống hiến sức trẻ cho các địa phương nghèo. Đặc biệt, các BS trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn sẽ được giãn khoản nợ đã vay ngân hàng trong quá trình học trước đây.


Tuy nhiên, Dự án cũng quy định, BS trẻ tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc tại các huyện theo cam kết thì phải bồi thường kinh phí hỗ trợ ban đầu và kinh phí đào tạo kể từ khi tham gia Dự án. Đồng thời, không được cấp bằng chuyên khoa I và giữ chứng chỉ hành nghề.

 

´Các BS trẻ đi tình nguyện từ 2 - 3 năm rồi sẽ lại về các BV trực thuộc Bộ Y tế công tác. Làm sao có thể duy trì được tính bền vững của Dự án, thưa ông?


Đây là một vấn đề mà lãnh đạo Bộ Y tế rất quan tâm. Dự án sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn: Một là từ 2013 - 2016; hai là từ sau năm 2016. Trong giai đoạn 1, Dự án sẽ triển khai tại 20 tỉnh có vùng khó khăn và các tỉnh khác có nhu cầu.


Trên cơ sở kết quả thực hiện Dự án ở giai đoạn 1, Bộ Y tế tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh và hoàn thiện quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện đưa BS trẻ về công tác tại vùng khó khăn trong giai đoạn 2.


Dự kiến sau năm 2016, Bộ Y tế sẽ xây dựng văn bản nhằm thực thi quy định mới về trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội của đội ngũ thầy thuốc trẻ trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân để trình Chính phủ hoặc Quốc hội ban hành. Như vậy, hiệu quả của Dự án sẽ được kế thừa, các BS trẻ sẽ liên tục về công tác tại những vùng khó khăn, nơi còn rất thiếu BS khám chữa bệnh.


Xin cảm ơn ông!

 

Phương Liên

Tăng cường Nhân lực cho y tế cơ sở
Tăng cường Nhân lực cho y tế cơ sở

Do nguồn nhân lực thiếu và yếu trầm trọng nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân ở những vùng khó khăn đang thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Bởi vậy, việc đưa bác sỹ trẻ về công tác tại vùng khó khăn là một giải pháp mà ngành y tế đang tích cực triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN