Trước đó, Đoàn đã làm việc với UBND quận Tân Bình và đi kiểm tra thực tế tại Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn Thành phố xảy ra 499 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tòa án nhân dân Thành phố đã xét xử 352 vụ với 380 bị cáo. Trong đó đáng chú ý, nhiều vụ xâm hại thời gian gần đây xảy ra ở các khu vực công cộng như chung cư, trường học, công viên.
TP Hồ Chí Minh đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện các chính sách, pháp luật trong xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền còn nhiều hạn chế do tính chất các vụ việc nhạy cảm, thông tin cần bảo mật để bảo vệ danh tính bị hại; số lượng điều tra viên có kinh nghiệm tiếp xúc với bị hại trong các vụ xâm hại trẻ em còn thiếu.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao việc TP Hồ Chí Minh đảm bảo kinh phí, đầu tư theo nhu cầu thực tế cho công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm bảo vệ trẻ em. Theo đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, nhận thức về bảo vệ trẻ em đã được nâng cao nhưng hiện nay cần phải nâng cao hơn nữa, ở từng cấp chính quyền. Kinh tế TP Hồ Chí Minh càng phát triển, công tác chăm lo cho trẻ em càng phải được chú trọng. Mỗi sở, ngành, đoàn thể đều đã có giải pháp riêng, nhưng còn thiếu sự đồng bộ, UBND Thành phố cần có giải pháp tổng thể để các đơn vị phối hợp, triển khai hiệu quả.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đặt ra nhiều vấn đề đặc thù về thực trạng, giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội yêu cầu cần có giải pháp xử lý việc trẻ em ăn xin trên đường phố tại TP Hồ Chí Minh, vì đây là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao. Đại biểu Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội băn khoăn, tình hình tội phạm phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, nhất là tội phạm ma túy gây nỗi lo lớn tới sự an toàn của trẻ em.
Về công tác điều tra, tố tụng, đại biểu Phương Hữu Oanh, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phải tăng cường công tác kiểm sát, công tác đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; Công an Thành phố có giải pháp cụ thể hơn trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Đại biểu Phương Hữu Oanh cũng đề nghị Tòa án Thành phố cần đưa ra bài học kinh nghiệm phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua công tác xét xử, đồng thời rà soát các bản án để Tòa án nhân dân Tối cao nghiên cứu phát triển án lệ về vấn đề này.
Tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ chỉ đạo quyết liệt trong các vụ việc cụ thể như nạn trẻ em ăn xin, các vụ việc nghi xâm hại trẻ em...; đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Đối với các vụ án xâm hại trẻ em, các cơ quan điều tra, tố tụng của Thành phố luôn đặc biệt quan tâm, vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm minh; tăng cường tập huấn cho thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên trong xử lý các vụ việc này. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, thông tin về người bị hại để theo dõi, giúp đỡ kịp thời những đối tượng này.
Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc kiểm tra thực hiện quyền trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước và phòng ngừa lao động trẻ em.