Giám sát về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em tại Bình Phước

Ngày 28/8, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm Trưởng đoàn đã thực hiện công tác giám sát về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Chú thích ảnh
Ngày 28/8/2019, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng làm trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Bình Phước về công tác chăm sóc và bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Theo báo cáo tại buổi giám sát, tỉnh Bình Phước hiện có 303.666 trẻ em (154.175 nam, 149.491 nữ), trong đó có 3.541 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, toàn tỉnh có 200 trẻ em bị xâm hại trẻ (199 nữ, 1 nam), trong đó đa số là xâm hại tình dục (193 trường hợp). Bình quân mỗi năm xảy ra 50 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 90% là xâm hại tình dục. Nạn nhân của tội phạm xâm hại là trẻ em thuộc tất cả các lứa tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít được chú ý chăm sóc, quản lý, bố mẹ ly hôn. Nhiều nạn nhân trong các vụ xâm hại trẻ em mới 3-4 tuổi. Đối tượng bạo lực xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, lười lao động, có lối sống lệch chuẩn. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra hầu hết các địa bàn trong tỉnh, nhiều nhất tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (165 vụ).

Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại tại địa bàn Bình Phước: tuy số vụ xâm hại trẻ em đã giảm qua hàng năm nhưng tính chất từng vụ việc là rất phức tạp. Xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 90%, trong đó có vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng như vụ xâm hại trẻ em rồi giết nạn nhân thả xuống giếng.

Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ trẻ em và công tác thực hiện chính sách về chăm sóc trẻ em chưa được triển khai đồng bộ. Các cấp chính quyền chưa chú trọng đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Đáng chú ý, từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh Bình Phước đã không còn hỗ trợ về chế độ phụ cấp cho lực lượng phụ trách về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố. Việc bỏ phụ cấp dẫn đến dẫn đến công tác chăm sóc trẻ em chưa thể thực thi đầy đủ ở Bình Phước.

Mặt khác, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả. Các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chưa có cơ chế phối hợp hoạt động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Đáng quan tâm hơn, các vụ việc xảy ra đưa ra tòa án xét xử nhưng qua giám sát, chưa được tổ chức phiên tòa thân thiện khiến các các trẻ em bị xâm hại thêm một lần đau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị tỉnh Bình Phước quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bởi tính chất các vụ việc là rất nghiêm trọng; đáng lo hơn tỉnh để xảy ra 90% vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tỉnh cần kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu vì trẻ em của 3 cấp để huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, quan tâm công tác nâng cao nhận thức để biến thành hành động, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ có hiệu quả.

Cho rằng Bình Phước có rất ít cơ sở trợ giúp trẻ em bị xâm hại, Đoàn Giám sát đề nghị thời gian tới tỉnh cần huy động nguồn lực, phát huy nội lực để bảo vệ chăm sóc trẻ em tốt hơn. Cơ quan chuyên môn cần  nắm bắt kỹ tình hình thực tế, phân tích dữ liệu để dự báo tình hình và đưa ra những giải pháp sát với thực tế của địa phương để phòng ngừa bảo vệ trẻ em được quan tâm tốt hơn.

Tin, ảnh: Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Hà Nội xây dựng các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
Hà Nội xây dựng các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngày 27/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN