Nghị định 71/CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012 quy định xử phạt nặng chủ phương tiện khi mua bán không làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Số lượng người đi xe “không chính chủ” hiện nay chiếm đến hơn 40%, nên quy định này đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cần xem xét giảm mức phí đăng ký, cải cách thủ tục theo hướng tạo thuận lợi để khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện.
Nỗi niềm “xe không chính chủ”
Theo Nghị định 71/CP, từ ngày 10/11/2012, các chủ phương tiện không sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng (xe máy) và từ 6 - 10 triệu đồng (ô tô). Quy định này sẽ tác động đến nhiều người dân vì theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, số lượng người đi xe “không chính chủ” hiện nay chiếm tới hơn 40%. Điều này cho thấy, còn nhiều người dân chưa quan tâm làm thủ tục sang tên chính chủ cho phương tiện.
Hơn 40% số người đi xe hiện nay là xe “không chính chủ”. Ảnh: Lê Phú |
Trao đổi về vấn đề này, nhiều người dân đang sở hữu xe không chính chủ phản ánh, thủ tục sang tên đổi chủ còn khá phức tạp: phải công chứng, đến chi cục thuế đóng thuế trước bạ, nhận biên lai thuế xong mới đem hồ sơ đến các đội CSGT quận, huyện nơi cư trú để nộp hồ sơ sang tên.
Để được tiếp nhận hồ sơ, người mua cũng phải đưa xe đến trụ sở công an quận, huyện để “cà” số khung, số máy, khai và nộp hồ sơ để chờ được cấp giấy đăng ký. Theo quy định hiện nay, sau hai ngày thì người mua xe lấy được giấy đăng ký xe còn nếu kèm cấp đổi biển số (từ biển số có bốn số sang năm số) thì mất bảy ngày.
Tuy nhiên, thực tế người dân thường phải chờ đợi từ nửa tháng đến một tháng mới làm xong giấy tờ. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hồ sơ đăng ký xe máy tại các quận, huyện rất đông. Trường hợp mua bán xe khác quận, huyện thì cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ còn phải làm thủ tục rút hồ sơ gốc của xe từ quận, huyện khác về, nên việc giải quyết hồ sơ đăng ký xe mua bán còn chậm hơn nữa.
Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Không xử phạt các trường hợp mượn xe Nghị định 71/CP quy định rõ xe đi mượn hoặc thuê mà có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì không bị xử phạt. Ví dụ, nếu người điều khiển phương tiện không chính chủ khi bị CSGT hỏi mà chứng minh được mượn của bạn hoặc người quen, gia đình... dù ở tỉnh, thành phố nào rồi đem ra Hà Nội công tác, sử dụng (với đầy đủ giấy tờ) thì không phải đối tượng xử phạt.
Nghị định 71/CP tăng nặng mức xử phạt so với các quy định trước đó, nhằm đủ sức răn đe đối với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, góp phần giảm tai nạn giao thông, chứ không hề có mục đích tăng thu cho Nhà nước. Bởi việc mua bán phương tiện không sang tên đổi chủ hiện đang gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông, vụ án hình sự; làm thất thu thuế của Nhà nước…
Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp:
Giảm phí sang tên, đổi chủ
Mặc dù chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ người đang đi ô tô, xe gắn máy sở hữu phương tiện chính chủ, nhưng theo điều tra xã hội học thì người đi xe không chính chủ chiếm 45%, chủ yếu là xe gắn máy. Trước mắt, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quy định xử phạt.
Các lực lượng chức năng chỉ điều tra phương tiện không chính chủ trong các trường hợp đặc biệt và chưa nên tính đến việc dừng xe lại để kiểm tra về việc có chính chủ hay không.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên ngành cần sớm xem xét, nghiên cứu ban hành quy định giảm phí sang tên đổi chủ phương tiện và đơn giản hóa thủ tục, nhằm khuyến khích người dân tự nguyện thực hiện chuyển đổi chủ theo đúng pháp luật. |
Còn đối với ô tô, lực lượng CSGT cũng cho biết, phần lớn người dân mua, bán ô tô cũ đều không làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Từ các cá nhân thông thường cho đến các trung tâm chuyên mua bán ô tô khi giao dịch xe đã qua sử dụng đều áp dụng hình thức công chứng ủy quyền.
Anh Tuấn Thành (ở quận Hoàn Kiếm) cho biết: Tháng 9/2012, anh quyết định đổi chiếc xe Gentra SX (sản xuất năm 2009) đang sử dụng để đổi sang chiếc Kia Morning (sản xuất năm 2011). Thay vì phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ, anh Thành vẫn sử dụng giấy đăng ký xe của chủ cũ chứ không làm thủ tục chuyển đổi xe. Người bạn bán chiếc Kia Morning cho anh Thành nhận lại chiếc Gentra SX với đăng ký xe do một người khác đứng tên chứ không phải của anh Thành nhưng cũng không làm thủ tục pháp lý gì.
Theo anh Thành, chiếc xe Kia Morning trị giá 380 triệu đồng, nếu sang tên sẽ mất thêm hơn 38 triệu đồng (phí đăng ký lại lần hai là 10% giá trị của xe), cộng với hơn 1 triệu đồng thủ tục lắp biển số mới. Do những tốn kém phát sinh này nên anh Thành quyết định không làm thủ tục sang tên.
Trường hợp khác, anh Đức Minh (ở quận Ba Đình) bán chiếc Lacetti (sản xuất năm 2005) hồi đầu năm 2012 với giá 260 triệu đồng để đổi sang chiếc Mercedes-Benz C200 (sản xuất năm 2003) với giá 400 triệu đồng. Anh Minh chỉ ra phòng công chứng làm thủ tục công chứng ủy quyền cho người mua chiếc Lacetti và bản thân nhận lại tờ công chứng ủy quyền của chủ chiếc Mercedes-Benz để sử dụng.
Anh Minh khẳng định: Cả người mua và người bán đều xác định khoảng 1 - 2 năm nữa nếu không thích lại đổi xe khác, nên không cần sang tên để đỡ tốn kém thêm chi phí.
Tìm hiểu tại các trung tâm mua bán ô tô đã qua sử dụng, có đến 95% khách hàng đến mua xe đều chọn cách “né” phí sang tên trước bạ như anh Minh.
Ngoài ra, trong thực tế, để làm giao dịch sang tên đổi chủ đối với ô tô cũ sẽ mất từ 15 - 21 ngày, trong đó mất từ 5 - 7 ngày nộp hồ sơ tại cơ quan thuế để thẩm định giá trị và xác định khoản phí trước bạ mà người mua phải đóng. Sau đó tùy thuộc hộ khẩu của người mua xe phải đăng ký tại một trong ba nơi nhận thủ tục đăng ký ô tô thuộc Phòng CSGT (sẽ mất từ 10 - 14 ngày để làm thủ tục này). Chính vì những thực tế nêu trên, nên nhiều người “ngại” làm thủ tục, “lách” luật, sử dụng xe cũ mà không làm các thủ tục như quy định.
Cần sớm giảm phí sang tên đổi chủ
Theo Phòng CSGT Hà Nội, sau khi Nghị định 71/CP có hiệu lực, Phòng đã tiếp nhận hơn 600 trường hợp đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến các chủ phương tiện đến làm thủ tục sang tên đổi chủ chưa nhiều là mức phí chuyển nhượng hiện nay còn quá cao.
Nhiều người dân khi được trao đổi về vấn đề này cũng phản ánh: Quy định nâng mức phạt như trong Nghị định 71/CP là chủ trương đúng, nhằm quản lý phương tiện chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, những người đang sử dụng xe cũ rất khó gặp được chủ cũ vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan. Thêm nữa, nếu tìm được chủ xe thì phí đăng ký chuyển quyền sử dụng như hiện nay là quá cao. Vấn đề này cần được các ngành chức năng quan tâm xử lý.
Còn theo Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, trong những ngày qua, do cách tuyên truyền thực thi Nghị định 71/CP chưa sâu rộng, cách diễn đạt từ ngữ chưa chuẩn nên đã dẫn tới tình trạng không ít người dân hiểu nhầm về quy định xử phạt.
Nghị định 71/CP quy định rõ ràng: Không phạt xe không chính chủ, mà chỉ phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu đúng quy định. Bên cạnh đó, hiện nay mức lệ phí trước bạ về sang tên chính chủ là từ 10 - 15% (đối với ô tô dưới 10 chỗ) tùy theo địa phương. Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn, giảm mức lệ phí này xuống chỉ còn 1% hoặc dưới 1%, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện Nghị định 71/CP, đồng thời giúp cơ quan chức năng quản lý phương tiện dễ dàng hơn.
Việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu ô tô, xe máy theo quy định Nghị định 71/CP là đúng pháp luật, vì khi đã có giao dịch thì phải chuyển quyền sở hữu và lực lượng CSGT sẽ xử phạt về hành vi không chuyển quyền sở hữu. Việc tăng nặng mức phạt đối với hành vi này so với Nghị định 34/CP/2010 không phải để phạt nặng người đi xe không chính chủ, mà để xử phạt về việc không chuyển quyền sở hữu sau 30 ngày mua bán theo quy định.
Tuy nhiên, việc đăng ký chuyển quyền sở hữu phương tiện còn quá nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân, nhất là đối với những xe đã được chuyển đổi nhiều lần, rất khó tìm được chủ cũ… Bên cạnh đó, điều mà người dân còn băn khoăn là mức phí chuyển quyền sở hữu còn cao. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét giảm mức phí đăng ký, chuyển quyền sở hữu; cải cách các giấy tờ, thủ tục theo hướng tạo thuận lợi cho người đăng ký, sang tên, đổi chủ.
Được biết, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã thống nhất sẽ sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để nhanh chóng đưa việc quản lý phương tiện vào khuôn khổ. Trong đó, sẽ giảm mức phí đăng ký, cải cách thủ tục làm các loại giấy tờ, thủ tục. Trong điều kiện hiện nay, các giải pháp này sẽ góp phần nhanh chóng để đưa việc quản lý phương tiện vào nề nếp.
Nguyễn Tiến