Chiều ngày 5/4, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) đã phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức tọa đàm “Phòng chống tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền”.
Trong kỷ nguyên số, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang đối mặt với các mối đe dọa, những nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin không ngừng gia tăng trên không gian mạng. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như VNDIRECT, PVOIL… đã lên tiếng bị tấn công mã hóa dữ liệu. Khi xảy ra sự cố này, các lực lượng chức năng về an toàn, an ninh mạng với chủ lực là A05 (Bộ Công an) và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã và đang cùng các chuyên gia tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp này khắc phục, xử lý các sự cố.
Việc các tổ chức, doanh nghiệp Việt liên tiếp phải đối mặt với sự cố tấn công ransomware thời gian gần đây đang khiến nhiều cơ quan, đơn vị lo lắng phải chăng đang có một chiến dịch tấn công ransomware nhắm vào các hệ thống thông tin trong nước.
Theo Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, trước vấn đề này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A 05 - Bộ Công an) đã chủ động chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), các cơ quan liên quan điều phối điều tra, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục, sớm đưa các hệ thống thông tin vận hành trở lại bình thường, hạn chế hậu quả thiệt hại xảy ra cho các cơ quan, doanh nghiệp.
Kết quả điều tra xử lý các sự cố tấn công mã hóa dữ liệu cho thấy phương thức thủ đoạn của nhóm tội phạm này hết sức tinh vi, nguy hiểm, kịch bản tấn công của nhóm tin tặc có nhiều điểm tương đồng. Việc tấn công hệ thống có thể gây ngừng toàn bộ hoạt động, giao dịch và khó có thể thu hồi được dữ liệu nhạy cảm đã rơi vào tay tin tặc. Trong đó, dữ liệu của các đơn vị này đóng vai trò hết sức quan trọng, mang tính chất quyết định trong hoạt động của tổ chức. Các dữ liệu này đòi hỏi phải được duy trì, bảo đảm tính sẵn sàng cao.
Hiện nay, sáng kiến quốc tế về chống mã độc tống tiền - Counter Ransomware Initiative (CRI) do Mỹ khởi xướng đã đưa ra một tuyên bố chính sách chung giữa các nước, trong đó kêu gọi các nạn nhân không trả tiền chuộc cho tin tặc, nếu không sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đặc biệt nguy hiểm.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia dự báo: Thời gian tới, các nhóm tin tặc gia tăng tấn công mạng bằng mã độc tống tiền, nhằm vào các cơ quan trọng yếu, các tổ chức kinh tế, tài chính, năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng hoạt động tấn công mã độc đã được cài cắm sâu trong các hệ thống thông tin. Trong khi đó, mặc dù Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã nhiều lần cảnh báo, nhưng nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng của phần lớn chủ quản các hệ thống thông tin còn hạn chế; Năng lực ứng phó và khả năng xử lý, khắc phục sự cổ trước các cuộc tấn công mạng còn thấp, nhiều hệ thống công nghệ thông tin quan trọng đầu tư không đồng bộ, không được giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên, tồn tại điểm yếu kỹ thuật, lỗ hổng bảo mật; Việc chấp hành quy trình, quy định về bảo đảm an ninh mạng chưa nghiêm; Việc quan tâm đầu tư về nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm an ninh hệ thống mạng còn hạn chế.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, nhận xét, hình thức tấn công của hacker tương đối giống nhau, đều là tấn công nằm vùng một thời gian và sau đó mã hóa dữ liệu tống tiền. Tuy vậy, kỹ thuật tấn công các vụ lại không giống nhau, do đó khả năng đây là các cuộc tấn công của những nhóm tội phạm mạng khác nhau. Chưa có bằng chứng cho thấy đây là một chiến dịch có tổ chức. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng này vì các vụ việc liên tiếp xảy ra trong một thời gian khá ngắn.
“Nếu có chiến dịch tấn công việc mã hoá dữ liệu thì việc xâm nhập đã diễn ra từ khoảng 1 năm trước, đôi khi hacker còn am hiểu hệ thống hơn cả quản trị hệ thống mạng bị tấn công. Do đó, việc rà soát hệ thống nên làm định kỳ, giống như con người được khuyến cáo đi khám sức khoẻ định kỳ. Thực tế hiện nay cho thấy, đầu tư cho an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu của các doanh nghiệp còn khá thấp. Theo ước tính, việc đầu tư này chỉ chiếm khoảng 5%”, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.
“Trước đây, theo phương thức truyền thống, đầu tư cho phần ngăn chặn chiếm 80%; theo dõi, giám sát chiếm 15%; phản ứng chiếm 5%. Còn theo phương thức hiện đại, các mức đầu tư cho các giải pháp an toàn thông tin chia đều tỷ lệ gồm: Ngăn chặn 33%; theo dõi, giám sát 33%; phản ứng 33%”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông)cho biết: "Các vụ tấn công mạng mã hoá tống tiền diễn ra sôi động, thậm chí có những làn sóng tấn công mạng lớn. Do đó, khi xảy ra sự cố bị tấn công, cần phối hợp với cơ quan chức năng để điều phối xử lý sự cố. Thời gian tới, Cục sẽ giới thiệu "cẩm nang về an toàn thông tin", trong đó có quy trình xử lý sự cố tấn công mạng mã hoá dữ liệu".
Ông Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia (A05 Bộ Công an) cho rằng, diễn ra tấn công mạng, nhất là tấn công mã hoá dữ liệu tống tiền thời gian gần đây gia tăng. Do đó, A05 đã khuyến cáo các đơn vị tuân thủ các quy định về phòng chống tấn công mạng theo tiêu chuẩn. Qua xử lý các vụ việc vừa qua thì có thể thấy các đơn vị tổ chức chưa quan tâm đến bảo vệ dữ liệu. Nhiều đơn vị dùng hệ thống cũ, có những lỗ hổng. Thực tế, từ các vụ tấn công mạng mã hoá tống tiền, việc khôi phục dữ liệu gần như không thể.
“Việc đầu tư cho hệ thống an toàn, an ninh mạng theo một số báo cáo thường chiếm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, với mức độ tấn công mạng như hiện nay, theo khuyến cáo từ Bộ TT&TT, mức đầu tư nên ở mức an ninh mạng 20%”, ông Lê Xuân Thuỷ khuyến cáo.
Trước vấn đề này, Cục An toàn thông tin đã đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thời gian tới tập trung triển khai một số nhiệm vụ khác như: Rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên và liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; Triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu….
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam đáp ứng trên 90% các giải pháp phục vụ đảm bảo an toàn an ninh mạng trong nước. Việt Nam cũng là một trong số không nhiều quốc gia có thể tự chủ được các giải pháp về an toàn an ninh mạng. Việt Nam cũng đã có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công…
Tuy nhiên, các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài, như thiếu nguồn lực nhân sự, thiếu vốn đầu tư, thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, thiếu sự tin tưởng của khách hàng… Do đó, cần có sự đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam. Đặc biệt, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các giải pháp Made in Vietnam.