Đến tháng 8/2019, dù đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành đổ đá kè khẩn cấp, song hiện tượng lún vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Theo ông Đặng Ngọc Phúc, người dân khu 8, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, sau khi bờ sông bị sạt lở, người dân đã huy động tiền của và công sức để đắp lại đường. Tuy nhiên, đến mùa mưa năm 2018, nước sông Thao dâng cao làm con đường của khu 8, xã Xuân Quang, nằm dọc bờ sông Thao, bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn đường dài gần trăm mét mới được đắp trước đó đã bị lún sâu khoảng hơn 1 mét so với mặt bằng cũ. Thậm chí, tình trạng sạt lở còn khiến sân, nhà ở, tường rào... của nhiều hộ nơi đây cũng bị nứt nẻ nghiêm trọng.
Chỉ tay về phía kè đá vừa được thi công khẩn cấp, bà Lê Thị Cúc, ở khu 8, lo lắng nói, trước đây, vị trí kè đá này là những bụi tre lớn và là đường đi cũ, cách đường đi mới này khoảng 4 - 5 mét. Tuy nhiên, từ tháng 8/2017 đến nay, tình trạng sạt lở diễn ra một cách nhanh chóng. Đường bị sạt không thể đi được, mấy hộ gia đình ở đây đành phải góp mỗi nhà 10 - 20 triệu đồng để mở lối đi mới, cách khá xa bờ sông nhưng nay đường mới cũng bị sụt mất rồi.
Trong tháng 8 vừa qua, khu vực xung yếu này đã được tỉnh tiến hành đổ đá kè khẩn cấp, dài gần 1 km. Tuy nhiên, hiện một đoạn kè dài khoảng 100 m lại tiếp tục bị lún sụt, kéo cả đường đi dân sinh bị lún theo. Người dân nơi đây cho rằng, nếu không có giải pháp triệt để, việc đổ đá kè như trên không khác gì “ném đá ao bèo”. Chỉ vài cơn mưa lớn, nước dâng cao, đoạn kè và con đường dân sinh này lại chìm nghỉm dưới dòng sông, nguy cơ trôi cả nhà xuống sông rất dễ xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết, tình trạng sạt lở ở khu 8 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của 50 hộ dân. Đặc biệt, 15 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp khi nhà và các công trình ở cận kề mép sông, đường dân sinh bị lún sụt nặng, có hiện tượng nứt gãy mặt sân, tường nhà và các công trình khác.
Trước tình trạng này, UBND xã Xuân Quang đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở; có văn bản báo cáo lãnh đạo cấp trên; đề nghị các cấp, các ngành có liên quan, cử cán bộ về kiểm tra, xem xét và đưa ra phương án khắc phục triệt để tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, để người dân yên tâm sản xuất và sinh sống.