Trong đó các địa phương cần chú trọng đến việc xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, nâng cao hiệu quả các công trình, dự án đầu tư, trồng rừng cũng như nâng cao công tác dự báo, xây dựng quy hoạch, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bố trí lại dân cư
Cùng với đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách và triển khai đồng thời biện pháp ứng phó bền vững, dài hạn, vấn đề di dân, tái định cư cho người dân khỏi các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Để chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho rằng người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở.
Các địa phương cũng cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương cần chủ động di dân, sơ tán dân ra khỏi khu vực sạt lở thông qua các dự án thuộc Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng; tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn xây dựng nhà ở, công trình ở bờ sông, lòng sông, ven biển.
Các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch theo đúng quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tiếp tục bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi hành lang và phạm vi bảo vệ bờ sông, kênh, rạch; ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hoá, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, Chính phủ nên khởi động lại và đầu tư nhiều hơn cho Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai... theo Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án vay vốn ưu đãi ODA cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho chuyển đổi, đảm bảo sinh kế người dân sau tái định cư.
Ông Ousamane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, để sống chung tích cực với nước, cũng cần phải giải quyết các vấn đề về lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và xem xét lại các kế hoạch đê bao, kè và cống để tạo dòng chảy tự nhiên và chức năng của vùng lũ.
Sống chung với nước cần có các giải pháp khác như sản xuất lúa gạo bền vững, chuyển đổi hệ thống sản xuất và quản lý hiệu quả rủi ro về lũ lụt, hạn hán, xói lở bờ sông và bờ biển, ô nhiễm nước và khai thác tài sản tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các chuyên gia, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cần bố trí lại dân cư, chuyển từ bố trí dân cư theo tuyến kênh, rạch sang bố trí theo cụm, có tính đến việc dịch chuyển các cụm dân cư ven biển vào phía trong để phòng tránh thiên tai.
Nghiên cứu quy luật, tăng cường dự báo
Để có thể khắc chế hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trước mắt cũng như lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; đồng thời khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng, chống sạt lở bờ sông.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối trên cả tuyến sông; có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hoạt động khai thác cát trái phép và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Từ thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai nhanh dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông chính trên địa bàn tỉnh là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao.
Từ đó làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông; tăng cường giám sát, đánh giá tác động các dự án nạo vét thông luồng, điều chỉnh bố trí lại hoạt động khai thác cát khi có kết quả nghiên cứu dự án 3 sông chính.
Dưới góc độ quy hoạch, cần triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thuỷ lợi; quy hoạch tỉnh; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung (hợp phần) chỉnh trị sông làm cơ sở để xác định giải pháp tổng thể, bao gồm công trình và phi công trình đảm bảo ổn định biền vững trước mắt cũng như lâu dài.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra sạt lở nhiều nơi, chi phí khắc phục sạt lở, đặc biệt là sạt lở ven biển rất lớn. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở... để từ đó xác định các giải pháp công trình, phi công trình cho phù hợp với nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư tham gia bảo vệ bờ biển thông qua việc đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng bị sạt lở.
Chia sẻ tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 vừa qua, ông Ousamane Dione cho rằng: Các biện pháp can thiệp có sự phối hợp cũng rất cần để khôi phục trầm tích ở Đồng bằng sông Cửu Long và giảm tốc độ sụt lún đất đang diễn ra với tỷ lệ từ 2 - 5 cm mỗi năm và giải quyết vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển. Để làm được điều này cần áp dụng những biện pháp và công nghệ sáng tạo để quản lý và giám sát tốt hơn hoạt động khai thác nước ngầm, bao gồm giá nước và ngăn chặn khai thác cát trái phép.
“Chính phủ Việt Nam cần tích cực tham gia vào các mối quan hệ ngoại giao xuyên biên giới về nước để giảm mất mát trầm tích và chất dinh dưỡng ở đồng bằng này. Các giải pháp và đầu tư sáng tạo có thể bao gồm từ việc tăng khả năng giữ nước đến sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn”, ông Ousamane Dione khuyến nghị.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng, bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.
Cụ thể, đầu tư, nâng cấp hệ thống đê biển kết hợp với xây dựng hệ thống cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng thí điểm công trình thân thiện với môi trường, giá thành thấp, vật liệu địa phương để chống sạt lở bờ biển, phát triển vùng bãi kết hợp với bảo vệ môi trường một số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với giải pháp kỹ thuật, các chuyên gia môi trường cho rằng cần triển khai điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long; khảo sát, đánh giá về sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau; nghiên cứu khảo sát, đánh giá một số nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt đối với các điểm sạt lở cấp bách, nguy hiểm.
Trong bối cảnh của hiện trạng sạt lở hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, phương hướng ứng phó cần thiết là phải đánh giá đồng bộ các nguyên nhân, đồng thời có các cơ chế huy động nguồn lực xã hội để ứng phó hiệu quả; việc đầu tư xây dựng, duy tu, bảo vệ vùng ven sông, ven biển cần gắn kết với phát triển sinh kế cho cộng đồng.
Mặt khác, các địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để ứng phó, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chỉnh trị sông và tái tạo bờ biển một cách phù hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long.