Sạt lở 'bủa vây' Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 4: Giải pháp chưa căn cơ

Nhiều chuyên gia cho rằng một số địa phương chưa “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc”, dẫn đến công tác khắc phục chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí.

Chú thích ảnh
Sạt lở trên đoạn kênh Rạch Vọp, tại khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) làm toàn bộ 7 căn nhà bán kiên cố ven sông bị nhấn chìm. Ảnh: TTXVN

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng. Nhằm hạn chế và khắc phục sự cố, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, công trình phòng chống; các địa phương thường xuyên quan trắc để cảnh báo, di dời dân, tài sản… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng một số địa phương chưa “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc”, dẫn đến công tác khắc phục chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí.

Thừa “chống”, thiếu “phòng”

Trước tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương trong khu vực cũng đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm ứng phó. Trong đó, đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún.

Tỉnh Cà Mau đã áp dụng cả giải pháp công trình và phi công trình, qua đó đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29 km; các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả chưa được làm rõ. Một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn rất cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

Để ngăn ngừa sạt lở, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đầu tư xây dựng, gia cố các vị trí sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống như cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá…tại các khu vực nông thôn, khu vực không tập trung đông dân cư. Đồng thời, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông, khuyến khích nhân dân không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông.

Năm 2017, trước tình trạng sạt lở vàm Kim Quy, huyện An Minh, Kiên Giang đã gia cố bằng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất để hạn chế, ngăn sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này không mang lại hiệu quả trước sự tác động của sóng biển và tiếp tục sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết: Trên đoạn đê biển Kim Quy-Tiểu Dừa, các cơ quan chức năng đã tiến hành cắm 20 biển báo tại các điểm sạt lở nguy hiểm và có nhiều người dân thường xuyên hoạt động; tiến hành hộ đê khẩn cấp các điểm sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm.

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở đất trên địa bàn, theo ông Mai Anh Nhịn, tỉnh tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại người và tài sản của nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành tuyến đê biển với 30/51 cống; trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ Bình Sơn đến Bình Giang (Hòn Đất) và xã Nam Thái (An Biên); khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản ở huyện An Minh, An Biên…

Để giải quyết vấn đề này, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Điển hình là các công trình kè sông Cần Thơ, kè chống sạt lở sông Ô Môn, bờ kè Xóm Chài, phường Hưng Phú. Cùng lúc đó, tại các địa phương cũng triển khai các dự án kè bờ sông khác như Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy); kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy, Ninh Kiều); kè sông Bò Ót (quận Thốt Nốt); kè chống sạt lở bờ sông kênh Thốt Nốt (quận Thốt Nốt)… 

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương triển khai một số hoạt động nhằm xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển như điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về phòng chống xói lở bờ biển; hướng dẫn về giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời Bộ hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh cắm 357 biển cảnh báo những khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý xói lở bờ biển như áp dụng cấu kiện bê tông cốt phi kim, khối bê tông trụ rỗng...

Ghi nhận tại các địa phương các giải pháp công trình và phi công trình hiện nay chưa đạt hiệu quả, một phần là do hoạt động khai thác cát dọc các sông chính diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, các chế tài đối với các hoạt động khai thác cát trái phép còn có kẽ hở, chưa đủ răn đe. Cùng với đó, hệ thống đê biển và hệ thống giao thông bộ, giao thông thuỷ thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp. Triều cường, thiên tai đã làm ngập, sụt lún nhiều tuyến đường giao thông, nhất là các huyện ven biển, làm phát sinh nhu cầu vốn sửa chữa, nâng cấp rất lớn.

Nan giải bài toán “vốn”

Chú thích ảnh
Nhiều đoạn đê ven biển Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN

Công tác phòng chống sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm, ban hành nhiều chính sách cũng như đầu tư các dự án, công trình phòng chống sạt lở đất, nhất là Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017. Tuy nhiên, việc xử lý các điểm sạt lở cấp bách chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế hiệu quả huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa dẫn đến nhiều khu vực sạt lở chưa được đầu tư xử lý triệt để hoặc chưa được đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ năm 2010 đến 2020 Bộ đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với 169 công trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 7.928 tỷ đồng với 155 công trình; vốn ODA, Chương trình SP-RCC là 779 tỷ đồng với 14 công trình. Năm 2018, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí là 2.500 tỷ đồng.

Theo ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, dù được Trung ương hỗ trợ, nỗ lực của địa phương trong việc phòng chống, ngăn chặn sạt lở, nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cấp bách đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.  “Việc đầu tư xây dựng các công trình ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển vượt khả năng của địa phương”, ông Mai Anh Nhịn cho biết.

Liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nhiều khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhưng thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân. Một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chậm được tháo gỡ.

Tương tự, thành phố Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi, kè chống sạt lở bờ sông và các dự án trọng điểm của thành phố. Cụ thể, Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn - khu vực Thới Lợi, phường Thới An, Quận Ô Môn (phía bờ phải); Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích); Dự án Cụm dân cư tập trung Phước Thới nhằm bố trí di dời ổn định các hộ dân trong vùng thiên tai. Tổng kinh phí các dự án này gần 500 tỷ đồng.

Để bảo vệ bờ biển, củng cố hệ thống đê biển, phòng chống sói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sẽ nghiên cứu hỗ trợ 7.078 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư các dự án nhiều, số vốn đầu tư rất lớn, thì vẫn còn nhiều công trình đã triển khai, đã bố trí vốn lại thực hiện rất chậm. Ví dụ như dự án đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (Kiên Giang) có tổng vốn 2.083 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần như còn ở điểm xuất phát. Trong khi đó, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nạn sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rừng phòng hộ ven biển ngày càng mất đi chức năng phòng hộ, bảo vệ bờ biển trước diễn biến ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề cập đến việc triển khai các công trình, dự án phòng chống sạt lở trong khu vực tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019 tổ chức ở Cà Mau vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý: “Các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra”.

Bài cuối: Khắc chế và thích ứng 

Anh Tuấn - Huy Hải - Công Mạo - Huỳnh Anh (TTXVN)
Sạt lở 'bủa vây' Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 3: Vì đâu đất cứ 'trôi sông, đổ biển'
Sạt lở 'bủa vây' Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 3: Vì đâu đất cứ 'trôi sông, đổ biển'

Từ kết quả khảo sát của các cơ quan chuyên môn và một số nghiên cứu khác đã sơ bộ nhận định một số nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN