Cụ thể, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km, trong đó chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch; sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.
Ngày càng phức tạp, nghiêm trọng
Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 4/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 170 km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85 km.
Ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 17 vụ sạt lở, chủ yếu trên sông Hậu và kênh xáng Tân An. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 52 đoạn sạt lở, trong đó 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm, 32 đoạn nguy hiểm…; có 21.000 hộ nằm trong trong vùng sạt lở mức độ nguy hiểm tới trung bình. Vừa qua, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ xây dựng 7 khu dân cư để di dời cho các hộ dân nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm.
“Hiện đang bước vào mùa mưa, cộng với tình hình lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp cho nên đất ven sông bị “hổng chân” dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… tăng cao”, ông Tô Hoàng Môn lo ngại.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cũng cho biết, tại nhiều bờ sông thuộc các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành và thành phố Rạch Giá, hiện tượng sạt lở, nguy cơ sạt lở rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình và cuộc sống của người dân. Thống kê ban đầu, tổng chiều dài sạt lở bờ sông gần 200 km, trong đó khoảng 25 km sạt lở hết sức nguy hiểm và con số này đang tiếp tục tăng lên do chưa có những giải pháp ngăn chặn, khắc phục.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, hiện tại trên toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày một nghiêm trọng và phức tạp, tăng cả về cường độ và số lượng.
UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Các điểm sạt lở thuộc các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông uốn khúc, các cửa phân lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… gây thiệt hại lớn về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch. Một số vụ sạt lở lớn như tại khu vực đang thi công bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực vàm Thới An; sạt lở trên kênh Cái Sắn dọc tuyến Quốc lộ 80 qua địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, nhấn chìm bốn căn nhà của người dân…
Cùng với sạt lở bờ sông trong nội địa, các tỉnh vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra, hàng chục km đê biển ngày đêm bị uy hiếp và những vạt rừng phòng hộ ven biển cũng bị cuốn phăng. Điển hình như tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254 km, phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển (tổng chiều dài trên 8.000 km, có 87 cửa sông thông ra biển) nên bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc bảo vệ sản xuất, cung cấp nước ngọt, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, tốn kém. Chỉ tính riêng khu vực cửa biển Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển, trung bình mỗi năm đai rừng phòng hộ mất từ 80 - 100 m.
Với đường bờ biển dài khoảng 200 km, tỉnh Kiên Giang đang phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là vấn đề sạt lở bờ biển ngày càng khó lường, nghiêm trọng. Tác động của sóng biển đã làm cho một số đoạn bờ biển xảy ra hiện tượng xói lở với tổng chiều dài hơn 86 km, tập trung trên địa bàn 4 huyện là An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Trong đó, hơn 30 km xói lở đặc biệt nguy hiểm, trên 11 km xói lở nguy hiểm.
Theo dõi diễn biến của hiện tượng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.
Những hệ lụy nhãn tiền
Tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài đến môi trường tự nhiên và sinh kế của người dân trong khu vực.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Tình hình sạt lở không những diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô; ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km. Từ xã Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), dải bờ biển dài 200 km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm hiện tượng bồi, lở bờ biển theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển. Dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình hình xói lở vẫn nhiều hơn là bồi tụ. Bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 250 hộ dân. Diện tích bãi bồi bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60 - 300 m.
Ghi nhận thực tế tại khu vực bờ biển Tiểu Dừa giáp tỉnh Cà Mau thuộc ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) cho thấy: Rừng phòng hộ ven biển gần như bị xóa sổ do sạt lở, sóng biển đánh trực tiếp vào tận chân đê quốc phòng, uy hiếp nhà ở của dân.
Bà Trần Thị Lắm, một người sinh sống tại đây cho biết: "Hàng chục công đất rừng của tôi bây giờ không còn, sóng biển cuốn trôi hết. Ngôi nhà tôi đang ở có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào khi xuất hiện sóng to, gió lớn". Nhiều hộ dân khác ở đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự như bà Lắm.
Tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có đoạn bờ biển hơn 8 km, trong đó nhiều điểm bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 4 km. Những nơi sạt lở, xói lở nghiêm trọng gần như không còn rừng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ.
Ông Đặng Thanh Hải, ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết: Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây xói lở nghiêm trọng, biển ăn sâu vào bờ, mất rừng, mất đất sản xuất nhưng không có cách gì khắc phục, ngăn chặn xói lở. Không những mất đất sản xuất, người dân sinh sống ven biển gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bấp bênh, kém hiệu quả, mất mùa.
Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự xâm thực của biển trong thời gian gần đây nên xói lở ngày càng tăng mạnh hơn, diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ rất nguy hiểm. Nếu không có các giải pháp kịp thời và tích cực để phòng, chống xói lở bờ biển thì các tác động xấu sẽ ngày càng ảnh hưởng trực tiếp, nguy hiểm đến đời sống người dân và các công trình trong khu vực, đặc biệt là đe dọa đến an toàn đê biển trên địa bàn huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương.
Sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển đã gây thiệt hại, uy hiếp trực tiếp đến nhiều công trình, hạ tầng giao thông trong khu vực. Đầu tháng 8/2019, tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng, hơn 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều dài 85 m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu; sạt lở tiếp tục đe dọa đến 26 hộ dân, trong đó 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phải ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn xã xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.
Theo nhận định của UBND tỉnh Cà Mau, trên đoạn cửa biển Vàm Xoáy tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình mỗi năm mất từ 80 - 100 m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào bờ. Theo thống kê, trong 10 năm qua, diện tích rừng của khu vực này đã mất khoảng 300 ha. Hiện nay tình trạng sạt lở tại khu vực trên diễn biến đặc biệt nguy hiểm, nhất là vào cao điểm của mùa mưa bão, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư tập trung tại khu vực xã Đất Mũi, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đất Mũi, Đồn Biên phòng Đất Mũi; có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, trường học trong khu vực…
Ghi nhận tại các địa phương bị ảnh hưởng của sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, cho thấy khoảng 3 năm trở lại đây tình trạng xói lở bờ biển có nhiều đoạn càng đi sâu vào đất liền, sóng biển đã cuốn đi nhiều dãy rừng ngập mặn đang xanh tốt. Song song đó, hệ quả của hiện tượng này đã làm ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân trong khu vực cũng như tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Đáng chú ý, hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại và đang lan rộng ra với quy mô ngày càng lớn.
Bài 3: Vì đâu đất cứ “trôi sông, đổ biển”