Trong đó đáng chú ý, ngoài các yếu tố tự nhiên, các nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan, sự tác động của con người cũng góp phần thúc đẩy quá trình sạt lở đất diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.
“Nước đói” cát và phù sa
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép, khai thác không theo đúng quy hoạch đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân nhiều xã ven sông. Khi lượng cát khai thác vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về sẽ gây ra hiện tượng xói lòng sông hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng xảy ra cùng lúc.
Hoạt động khai thác cát, kể cả được cấp phép và khai thác trái phép trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên... đã bào mòn lòng sông. Đi qua nhiều con sông lớn trong khu vực, chúng ta dễ dàng nhận thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm máy hút cát với công suất lớn hoạt động ngày đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 40 vị trí khai thác cát trong vùng, trong đó gồm 12 vị trí dọc sông Mê Công, với tổng lượng khai thác khoảng 10 triệu tấn.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là do phù sa, cát sông Mê Công miệt mài bồi đắp. Trong quá trình bồi đắp đó, đúng là có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở.
Nhưng từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm. Nguyên nhân chính của việc sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Công, tức là sự thiếu cát và phù sa.
Phân tích cụ thể hơn về thực trạng này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cho biết: Đó là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mê Công ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo số liệu của Ủy hội Mê Công quốc tế công bố, so sánh giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Công đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm.
Sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Về cát, sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn một hạt cát, viên sỏi nào về Đồng bằng sông Cửu Long nữa.
Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến trong thời gian qua, đó là việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công đang tác động đến môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp. Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu "bị đói" bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điên trên dòng chính sông Mê Công”, do tác động của các công trình thủy điện của Trung Quốc, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm từ Trung Quốc về tới Tân Châu, Châu Đốc (vị trí sông Mê Công chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long) giảm từ 73 triệu tấn xuống còn 42 triệu tấn, trong đó lượng phù sa lơ lửng chỉ còn khoảng 30 triệu tấn/năm (giảm 35%), lượng bùn cát đáy chỉ còn khoảng 12 triệu tấn/năm (giảm 54%).
Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu sông Mê Công và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mê Công hiện có thì tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm tại Tân Châu và Châu Đốc giảm còn khoảng 15 triệu tấn (giảm 80%).
“Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ.
Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy các vụ sạt lở có một đặc điểm chung. Đó là trước khi sạt lở khoảng 1-2 ngày, thường có một vết nứt cách bờ sông khoảng 5m, chạy dài 80-100 m. Sau đó toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt bị trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Trong bối cảnh thiếu hụt cát và phù sa thì tại mỗi điểm sạt lở lại có thêm đặc điểm dễ bị tổn thương riêng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, tại điểm sạt lở ở Quốc lộ 91 vừa qua, đoạn sông có chiều ngang hẹp hơn đoạn phía trên, do đó để cân bằng năng lượng, dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn, đào sâu đáy sông hoặc ăn vào bờ. Tại đoạn sông cong, dòng chảy từ trên xuống có quán tính đi thẳng nhưng buộc phải đổi hướng nên lực ly tâm làm đường tim sông (đường sâu nhất) không đi giữa sông mà dịch vào gần bờ bên lõm.
“Dấu ấn” của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với việc tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới về phía Nam dẫn đến tăng năng lượng sóng, tác động đến bờ và gây ra xói lở, nước dâng trong bão cũng làm xói lở bờ trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… Từ đó, đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất xảy ra thường xuyên ảnh hưởng của lũ lớn, hạn hán làm gia tăng sạt lở. Lũ cao, nước chảy xiết gây sạt lở lấn vào đất liền gia tăng. Sự chênh lệch mực nước lớn hơn trước đây giữa mùa lũ và mùa kiệt cũng là tác nhân làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Phân tích cụ thể hơn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cho rằng: Sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long thường xảy ra vào đầu mùa lũ vì dòng chảy bắt đầu mạnh ăn đứt chân bên dưới và mực nước còn thấp không đỡ được trọng lực khối bờ sông bên trên. Sạt lở theo quy luật thường xảy ra ở các đoạn sông cong, cửa phân lưu, nhập lưu, các cửa sông phân lạch là nơi dòng chảy không ổn định, vận tốc dòng chảy lớn hơn sức chịu của bùn cát lòng sông.
Sạt lở theo tập quán và yếu tố địa lý, các điểm dân cư thường tập trung đông đúc ở những khúc sông thuận lợi cho sinh sống và giao thương như ngã ba, ngã tư sông hay những doi, vịnh, cửa sông; nạn chặt phát rừng phòng hộ ven biển làm đầm nuôi trồng thủy sản, làm khu du lịch sinh thái ngày càng gia tăng; hoạt động giao thông thủy phát triển mạnh, các công trình ven biển làm thay đổi dòng chảy, thiếu hụt lượng bùn cát, sóng do tàu thuyền, sự đào bới lòng sông của chân vịt tàu, thuyền, neo đậu tàu thuyền không đúng quy định... Mặt khác, đó là sự mở rộng mạng lưới hạ tầng xây dựng như đường xá, nhà xưởng, khu công nghiệp… ở những nơi này đã làm gia tăng tình trạng sụt lún, sạt lở đất.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng phù sa non trẻ, có kết cấu địa tầng yếu, nhất là kết cấu địa chất khối mặt nền. Tầng đất mặt là đất sét xám pha nhiều chất mùn hữu cơ nên có độ kết dính thấp, dễ bị xâm thực và bào mòn nhanh, kết hợp với tác động do sóng nước, dòng chảy, biên độ chênh lệch của đỉnh triều. Thêm vào đó, đặc điểm địa hình trũng thấp với độ cao trung bình từ 1 - 1,2 m nên dễ bị xâm thực, nhất là khi triều cường, mưa lớn và dao động mực nước trong sông do đó dễ gây ra tình trạng sạt lở.
Theo các chuyên gia địa chất, khi nền đất bị sụt lún, lớp đất mặt vốn có độ cố kết thấp sẽ bị ép xuống, tiếp xúc với dòng chảy sông ngòi và dòng biển. Kết quả là quá trình xói lở, trượt đất trở nên dễ dàng hơn và có xu hướng xảy ra theo hiệu ứng “domino”, một khu vực bị sạt lở, nước sẽ mau chóng tràn ngấm vào vùng lân cận và tiếp tục tạo ra các hố sạt lở tiếp theo.
Trong bối cảnh thiếu cát và phù sa cùng với sự tác động nhanh, mạnh hơn của biến đổi khí hậu, chuyện gia tăng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là tất yếu nếu cứ tiếp tục khai thác cát tràn lan, không có giải pháp phù hợp. Bài toán bây giờ là bài toán so sánh và đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó; đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh.
Bài 4: Giải pháp chưa căn cơ