Đưa đồng đội về với đất mẹ

Kết thúc mùa khô 2016 - 2017, Đội Quy tập mộ liệt sỹ 192 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đưa 16 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Huế.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

25 năm qua, kể từ ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ của đội đã đi qua hơn 800 bản làng xa xôi của nước bạn Lào để tìm kiếm, quy tập và đưa gần 900 hài cốt đồng đội về với đất mẹ. Kể từ ngày thành lập, sau mỗi mùa khô (từ đầu tháng 10 năm này đến tháng 5 năm sau), cuốn sổ ghi chép số liệu mộ liệt sỹ của đội ngày càng dày hơn.

Kết quả ấy có một phần không nhỏ từ sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Lào cũng như Ban Công tác đặc biệt 2 tỉnh Sekong và Salavan. Phân công người hỗ trợ, cung cấp thông tin, chỉ đường, dẫn lối hay đơn giản chia sẻ lương thực, bảo vệ bộ đội Cụ Hồ là những việc làm ý nghĩa của người dân, chính quyền địa phương nước bạn Lào.

Trung úy Phan Hồng Phong kể, mùa khô 2016 - 2017, một cụ già 76 tuổi người Lào có thông tin về mộ liệt sỹ ở tỉnh Salavan xung phong dẫn Đội đi suốt 5 ngày đường vượt rừng núi. Khi về, chân giãn cơ, người yếu, trời lại mưa lớn kéo thành từng dòng nước lũ chảy xiết, anh em trong đội thay phiên nhau cõng cụ hơn 5 km đường rừng. Đền đáp lại, các thành viên của đội giúp dân làng làm đường, sửa nhà, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con.

Thượng tá Trần Trung Thành, người đã 17 năm đi tìm mộ liệt sỹ ở Lào chia sẻ: Suốt những ngày tháng ròng rã tìm kiếm mộ liệt sỹ trong rừng của nước bạn, bữa ăn của chúng tôi gắn liền với món cháo nấu loãng, không gia vị. Có lúc 16 người chỉ còn 4 gói mì tôm, về nơi tập kết một số cán bộ, chiến sĩ kiệt sức. Khi đến bản làng bộ tộc Lào lại được người dân đùm bọc, hỗ trợ thực phẩm, có khi ủng hộ cả con lợn giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, thiếu thốn.

Hành trình tìm kiếm đồng đội của các chiến sĩ Đội 192 gặp muôn vàn khó khăn. Địa hình thay đổi hiểm trở, nhiều nơi còn sót lại bom mìn, vật chuẩn không còn, sơ đồ mộ chí không đầy đủ, những nhân chứng sống già đi hoặc đã mất khiến việc tìm kiếm càng thêm nhọc nhằn.

Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán của hai nước cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát hiện mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào năm xưa. Nhiều phần mộ liệt sỹ Đội 192 đã tìm kiếm từ năm này sang năm khác, đào 2 - 3 lần, có khi phải đào trên diện tích rộng cả 4 - 5 ha đồi, cũng có khi đào sâu 3 - 4 mét mới tìm đúng nơi.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội 192 kể lại, dấu chân của các chiến sĩ Đội 192 in khắp các cánh rừng bạt ngàn, có thể là bản làng xa xôi, địa danh khốc liệt của chiến trường năm xưa, cũng có thể là nơi nhiều năm không một dấu chân người qua. Gian nan vất vả là vậy nhưng khi tìm được đồng đội, dù chỉ là những di vật để lại đơn sơ như bình tông đựng nước, bút máy, thắt lưng, ví, hộp cao sao vàng bọc trong tấm khăn dù… các anh vui hơn gì hết.

Với những thành tích đó, đội đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; được Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì...

Mai Trang (TTXVN)
Hành trình không mỏi với lời hẹn của đồng đội năm xưa
Hành trình không mỏi với lời hẹn của đồng đội năm xưa

Gần 14 năm nay, năm nào cựu chiến binh Phạm Xuân Tởi (sinh năm 1949, thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cũng tìm về Quảng Trị - mảnh đất ông coi là quê hương thứ hai, nơi ông và các đồng đội đoàn Triệu Hải anh hùng đã sát cánh chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN