'Vẫn day dứt về đồng đội đã hy sinh'

Dù 45 năm đã trôi qua, nhưng đến nay bác Hà Huy Thông (thương binh 4/4, tổ 29 phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn day dứt chưa tìm được người đồng đội đã hy sinh trong một trân bom.

Bác Hà Huy Thông giới thiệu về những cuốn sách viết về Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khi tôi hỏi đến nhà bác Hà Huy Thông, thương binh 4/4, tổ 29 phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, quanh khu ai cũng biết bởi bác là bí thư chi bộ, thường xuyên gắn bó với bà con nơi đây.


Sinh năm 1946, tại Bắc Giang, chàng trai trẻ Hà Huy Thông luôn là học sinh giỏi. Dù vậy, khi vừa tròn 18, Hà Huy Thông đã xung phong lên đường nhập ngũ. “Thời đó, chúng ta đang chuẩn bị lực lượng đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất. Tôi được bố trí vào đơn vị công binh thuộc đoàn 559 đường Trường Sơn. Vào khoảng cuối năm 1971-1972, tôi được tăng cường xuống đơn vị cơ sở, là chính trị viên tiểu đoà,n phụ trách vận chuyển từ binh trạm 32 đến binh trạm 34. Thời điểm sau tết, đơn vị được nhận nhiệm vụ chuyển hàng vào Nam chiến đấu”, bác Thông kể.


Khoảng 3 giờ sáng một ngày sau Tết, đoàn xe 40 chiếc chở nhu yếu phẩm, đạn dược đang trên đường đến binh trạm 34 (Xavannekhet- Lào) thì bị máy bay Mỹ phát hiện, đánh tập kích. Cả đoàn xe bị trúng bom và bị cháy 38 chiếc xe. “Là chính trị viên nên tôi đi xe cuối đoàn để khóa đuôi và bị máy bay F4 của Mỹ đánh chặn. Người lái xe tên Chính cùng tôi chỉ kịp nhảy xuống một căn hầm gần đó. Tôi được Chính đẩy vào hầm trước. Ngay lúc đó bom nổ gần hầm. Sức công phá của bom khiến cửa hầm bị sập, những mảnh gỗ rơi vào đầu và chân gây chấn thương khiến tôi bất tỉnh. Còn nguwofi lái xe hy sinh. Khi tỉnh lại thì được đồng đội thông báo, cả đoàn xe hôm đó có mỗi Chính hy sinh. Việc an táng Chính được giao lại cho binh trạm gần đó, có đánh dấu địa điểm”, bác Thông hồi tưởng.


“Tuy nhiên, bom đạn chiến tranh, địa hình địa vật thay đổi nên một thời gian sau quay lại, tôi không nhận ra địa điểm đã chôn cất đồng đội. Dù đã rất cố gắng xác định nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt của Chính, điều này khiến tôi day dứt chưa nguôi”, bác Thông trăn trở.


Sau chiến tranh, bác Hà Huy Thông về công tác tại một số đơn vị quan đội và là Cục phó Cục Huấn luyện, đào tạo (Học viện Quốc phòng) cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2010. Vừa về hưu, bác Hà Huy Thông đã được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ tổ 29, phường Nghĩa Tân. “Về hưu, công việc lại bận rộn hơn trước bởi công việc tại khu dân cư cứ như con mọn từ việc giải quyết tranh chấp, xích mích khu dân cư, đến giữ vệ sinh môi trường…” bác Thông chia sẻ.


Nhận thấy 2 sân chơi trẻ em trong khu vực bị xuống cấp, nhếch nhác, thậm chí một số hộ dân đem hộp xốp trồng rau; năm 2012, bác Hà Huy Thông cùng các tổ chức đoàn thể trong khu dân cư vận động người dân trả lại mặt bằng cho khu sân chơi trẻ em và xã hội hóa quyên góp trong khu dân cư được 24 triệu đồng, xây tường bao, mua cầu trượt, thú nhún… để tạo điểm vui chơi cho cả khu vực.


Đến năm 2016, chủ trương của phường và quận Cầu Giấy dẹp chợ dân sinh tại đây. Do liên quan đến quyền lợi của cả nhiều người nên chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp, rà soát. Trong số hơn 200 người buôn bán tại đây, chỉ có 17 hộ là người trong khu vực. Chi bộ tổ 29 và các tổ xung quanh đã phải phân công cụ thể từng cán bộ của các tổ dân phố giúp đỡ để các hộ buôn bán có hộ khẩu tại khu để được bố trí địa điểm buôn bán, còn lại khoảng 180 người từ nơi khác đến buôn bán chợ dân sinh được yêu cầu về khu chợ mới tại phường Cổ Nhuế 1. Thời điểm di dời, những người buôn bán tại chợ dân sinh chống đối quyết liệt, nhưng nhờ sự quyết tâm, đến nay chợ đã được giải tỏa, khu phố trở nên sạch sẽ, văn minh, không còn cảnh ồn ào, phức tạp như trước. Người trong khu ai cũng mừng.


“Giờ tính sơ sơ, tôi đảm nhiệm tới 8 chức vụ khác nhau từ Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh của quận Cầu Giấy, đại biểu hội đồng nhân dân phường, bí thư chi bộ… Quả thật, làm công tác xã hội mới thấy nỗi vất vả của cán bộ cơ sở. Nhưng quan trọng nhất là sự gắn kết để tạo sự đoàn kết trong khu dân cư. Trong đó giải quyết những mâu thuẫn cơ sở để khu dân cư luôn xanh sạch đẹp, xây dựng Hà Nội văn minh”, bác Thông nhận định.


Với những thành tích đã đạt được, mới đây bác Hà Huy Thông đã được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen cá nhân tiêu biểu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh – liệt sĩ
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh – liệt sĩ

Sáng ngày 14/7, Tạp chí Lao động và Xã hội, Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh – liệt sĩ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN