Rừng phòng hộ ven biển bị xẻ thịt, những lớp đá trầm tích hàng triệu năm bị san lấp thay vào đó là những tường rào, bờ kè bằng bê tông nham nhở… là những gì phóng viên ghi nhận tại di tích thắng cảnh Ba Tâng Gâng. Điều đó khiến du khách không khỏi xót xa.
Anh Nguyễn Hoàng Thường (quê Hà Tĩnh) chia sẻ, một số nơi trong di tích đã không còn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ ban đầu nữa. Một số người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà nhẫn tâm tàn phá một thắng cảnh đẹp. Thật đáng tiếc!
Được biết, tình trạng này diễn ra từ tháng 6/2019. Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Phúc ( sinh năm 1980, trú tại thôn Phú Quí, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có hành vi vi phạm khi đào bới, san ủi đất rừng phòng hộ ven biển với tổng diện tích hơn 1.560 m2 để xây dựng công trình bờ kè bê tông cốt thép dài 52 m, cao 2 m; đồng thời xây dựng 6 trụ bê tông cao 4 m, mái lợp lá dừa, nền lát gạch men, diện tích xây dựng 24 m và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp) mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay, khi nắm được thông tin, huyện đã tiến hành kiểm tra và ban hành Quyết định số 2125/QĐ- XPVPHC ngày 2/8/2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Hữu Phúc 15 triệu đồng; buộc khôi phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.
Đến đầu năm 2020, tình trạng trên lại tiếp diễn và tăng thêm hai trường hợp. Cụ thể là các ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Hữu Phúc tự ý đào bới, xây dựng công trình trong khu vực đất rừng phòng hộ ven biển và di tích thắng cảnh Ba Tâng Gâng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, xã đã tạm đình chỉ việc xây dựng trái phép của các hộ dân. Cùng với đó, chính quyền xã lên kế hoạch phối hợp với cơ quan liên quan họp bàn phương án giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, do trùng thời điểm thực hiện cách ly xã hội vì dịch COVID-19 nên chưa thực hiện được. Đến gần cuối tháng 4/2020, các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã mới thống nhất tiếp tục tạm đình chỉ việc xây dựng trái phép, lập hồ sơ báo cáo, tham vấn các sở, ngành liên quan để tham mưu xử lý theo quy định.
“Vì không có các trụ mốc để xác định hành lang bảo vệ di tích; hơn nữa trong khu vực rừng phòng hộ ven biển và di tích, thắng cảnh Ba Tâng Gâng có một số phần đất của người dân nên xã rất khó xử lý. Chủ tịch UBND huyện mới có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ- CP của Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền quyết định còn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ nên cần phải có sự thống nhất chung”, ông Hải lý giải.
Về vấn đề này, ông Phan Đình Độ, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Việc xâm lấn, làm biến dạng di tích, đặc biệt là việc vùi lấp dung nham núi lửa là điều thật đau lòng. Ở góc độ văn hóa, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tìm hướng xử lý. Nếu vượt quá thẩm quyền, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo hướng đình chỉ ngay việc xâm hại và có sự quy hoạch tổng thể khu vực di tích, thắng cảnh Ba Tâng Gâng để có sự đầu tư, phát triển, bảo tồn lâu dài, bền vững.
Ba Tâng Gâng là danh thắng nằm trong danh sách di tích, danh thắng được bảo vệ của tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1991. Vì vậy, việc san ủi, đào bới, gây nguy hại đến di tích này là điều không thể chấp nhận, bởi nó sẽ làm mất đi vĩnh viễn những dấu tích quý giá về mặt địa chất.