Ba phương án di dời
Để quy hoạch vùng Thủ đô được hiện thực hóa, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa trình Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại thủ đô Hà Nội. Theo đó, VIUP đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây hoặc về khu vực Mễ Trì Hạ hoặc về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.
Theo phương án thứ nhất, 12 bộ ngành gồm: Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ. Phạm vi quy hoạch rộng 35 ha (bình quân mỗi cơ quan từ 1,5 - 2 ha), tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người (bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan), cao từ 15 - 20 tầng (chưa kể 3 - 4 tầng ngầm). Với phương án này, vốn cần khoảng 11.900 tỷ đồng, gồm vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng và vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.900 tỷ đồng.
Phương án thứ hai, chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì Hạ, phạm vi quy hoạch 55 ha, bao gồm toàn bộ khu đất Mễ Trì Hạ, bình quân 1,8 – 3 ha/cơ quan, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan. Tổng số người làm việc ở 13 cơ quan dự kiến khoảng 15.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan. Với phương án này, cần vốn khoảng 14.300 tỷ đồng, gồm vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.300 tỷ đồng.
Phương án thứ ba sẽ bố trí 13 cơ quan nói trên tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành (bình quân 2 - 3 ha/cơ quan, cao từ 9 - 12 tầng); khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan (diện tích 3 - 4 ha/cơ quan, cao từ 12-15 tầng). Theo phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần vốn 17.000 tỉ đồng, gồm vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 5.000 tỷ đồng.
VIUP khuyến cáo, mỗi phương án đều tạo nên áp lực giao thông với từng khu vực. Cụ thể, tại khu vực Tây Hồ Tây có hạ tầng đồng bộ, các dự án hiện tại có mật độ dân số trung bình thấp. Theo đó, việc phát triển mới 10.000 - 14.000 người làm việc nằm trong kế hoạch tính toán quy hoạch của khu vực Tây Hồ Tây, cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được. Trong khi đó, các tuyến giao thông khu vực Mễ Trì theo hiện chịu áp lực ùn tắc giao thông lớn, quá tải hạ tầng. Còn phương án phân chia trụ sở làm việc thành 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì sẽ góp phần phân tán lượng người làm việc, giảm nguy cơ chất tải lớn tới hạ tầng mới.
Cấp thiết, nhưng tránh nửa vời
Hiện vẫn có những ý kiến trái chiều về nên hay không nên di dời với kinh phí dự kiến lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê, chuyên gia quy hoạch quản lý đô thị, các bộ, ngành nằm xen với các khu dân cư đông đúc trong nội đô đang cản trở quy hoạch thiết kế chung đô thị. Khu vực nội đô hiện đã hình thành hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn thiện, là địa điểm đặt trụ sở của nhiều công ty hàng đầu thế giới và có nhiều kiến trúc văn hóa đặc thù thu hút đầu tư du lịch. Vì vậy, muốn Hà Nội thực sự phát triển, của dân, do dân và vì dân, thì khu vực trung tâm nên ưu tiên để cho hệ thống tài chính - ngân hàng, cơ quan đầu não của các Tập đoàn hàng đầu thế giới; đồng thời cũng là nơi để bảo tồn những công trình kiến trúc đặc trưng.
Còn theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) phân tích, chủ trương di dời đến nay là hoàn toàn đúng đắn, nhưng quan trọng nhất là giải pháp thực thi cần đúng, trúng, khả thi, công khai, nhằm tránh tình trạng bàn trên giấy và thực thi nửa vời. Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, thì chủ trương di dời cần phải có định hướng cụ thể như di dời từ nội đô ra ngoại ô, từ nội đô ra đô thị vệ tinh hay từ nội đô ra các tỉnh khác trong vùng Thủ đô; đồng thời phải xác định rõ địa điểm xây dựng trụ sở mới có đảm bảo giảm tải nội đô, đảm bảo các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao và tạo lực hút hạ tầng, cũng như công ăn việc làm tại chỗ.
Ông Đỗ Viết Chiến bổ sung thêm, chủ trương di dời các bộ, ngành có từ năm 1992, khi đó, Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành, đến nay, sau khi Hà Nội mở rộng đã thành 11 quận. Nếu xác định trung tâm mới của Hà Nội hiện nay theo các phương án trên, thì việc di dời trụ sở các bộ, ngành từ quận này sang quận khác vẫn là nằm trong nội đô, thuộc vùng lõi trung tâm. Không khéo, việc di dời dễ lại rơi vào bài toán chưa di dời chỗ cũ để giảm tải nội đô, thì lại quá tải ở chỗ mới. Rõ ràng, chủ trương di dời của Chính phủ là đúng, nhưng giải pháp di dời, nếu không tính toán kỹ, dễ gây lãng phí cho ngân sách và xã hội.
“Thêm vào đó, hiện nay, việc di dời các trụ sở làm việc ra khỏi nội đô cũng phải tính tới việc đi kèm các khu đô thị mới cho cho cán bộ, công nhân viên, người dân làm việc và ở tại chỗ, chứ không vẫn kéo theo dòng phương tiện ra vào Thủ đô hàng ngày, tiếp tục gây ùn tắc, quá tải…”, ông Đỗ Viết Chiến nói.
Cách đây hơn 10 năm, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô. Khi đó, dư luận cho rằng mở rộng địa giới hành chính sẽ làm Hà Nội mất đi tính bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm văn hiến, nhưng thực tế, việc mở rộng đã đưa Hà Nội trở thành một đô thị đa chức năng, có đủ quỹ đất phát triển các vành đai xanh, khu giãn dân, khu đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, các khu xử lý chất thải môi trường và khu cơ quan hành chính, nâng cao vị trí sức mạnh kinh tế không chỉ trong khu vực, mà trên toàn thế giới.
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh khẳng định, tới đây, Sở sẽ tham mưu cho thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, trong đó kiến nghị với Chính phủ bố trí nguồn lực để phục vụ công tác di dời; đồng thời, ban hành cơ chế tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời hiệu quả. Mong rằng, ngoài việc Sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong triển khai di dời, thì các đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố cùng vào cuộc, kiến nghị Quốc hội thúc đẩy các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ di dời.
“Việc di dời trụ sở các bộ, ngành cần một giải pháp đồng bộ trong chủ trương để khắc phục bất cập về pháp lý, huy động được nguồn lực và giữ được các giá trị kiến trúc, văn hóa tại khu vực trung tâm thủ đô, vì nhiều trụ sở cũ đang là di sản của kiến trúc Pháp của Hà Nội, được xác định có giá trị lịch sử, văn hóa, như các bộ: Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Viêt Nam. Do đó, dù triển khai theo phương án nào, cũng phải có nghiên cứu, đánh giá chuẩn mực trước khi quyết định”, PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay.
Bài cuối: Cần quyết liệt để chống lãng phí