Hướng đến khôi phục thị trường lao động
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế, đồng thời tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại cũng như tương lai.
Thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành, thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động. Mặt khác, độ bao phủ vaccine đang được mở rộng rất nhanh. Những điều này đã góp phần làm "giảm sốc" các tác động của dịch bệnh tới thị trường lao động, tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.
Ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tạo khung khổ chính sách nhất quán để triển khai thực hiện, góp ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt. Trong đó, Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.
Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề đào tạo nghề nghiệp, để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp để cho người học thực hành thực tập và nắm bắt nhu cầu để đào tạo. Người học, người lao động cần việc làm, cần sinh kế. Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể.
Mới đây, nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động đã được ban hành và đang triển khai như: Nghị quyết số 68/NQ-CP và QĐ số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 Phê duyệt Chương trình “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Với ba phiên làm việc, các đại biểu dự tọa đàm đã tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; đào tạo, đào tạo lại người lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg.
Tình trạng thiếu lao động sau dịch COVID-19 khá trầm trọng
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về công nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp phải là ngành công nghiệp điện tử thiếu lao động sau dịch.
Đại dịch ảnh hưởng vô cùng lớn tới sản xuất điện tử, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tính tới ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60 - 70% lao động quay trở lại làm việc. Đơn cử như các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng với tình hình này vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa cao. Nhìn chung tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng.
Bên cạnh đó, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, hiện nay các doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá đào tạo của lao động Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển công nhân đều phải đào tạo lại, mất ít nhất 1 tuần đến cả tháng với lao động giản đơn, còn với công nhân đứng máy phải mất vài tháng hoặc cử ra nước ngoài để đào tạo lại...
Chủ tịch Hiệp hội các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé thông tin, từ tháng 4-9/2021 có đến 800 nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp để có thể tiếp tục hoạt động đã duy trì "3 tại chỗ" nhưng chi phí rất tốn kém. Đến thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 91% các doanh nghiệp quay lại hoạt động, 18 khu công nghiệp hoạt động bình thường mới, 70% lao động (khoảng 200 nghìn lao động) trở lại làm việc, còn khoảng 100.000 chưa trở lại.
Theo thống kê sau nới lỏng giãn cách và đánh giá nhanh tháng 10/2021 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, chỉ có 100 doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 9.000 người đa dạng ở nhiều ngành nghề như chế biến, chế tạo… Riêng trong quý 4/2021, Thành phố Hồ Chí Minh cần 60.000 người lao động làm việc tại các nhà máy. Trong đó, tập trung 95% nhu cầu lao động ở khu vực ngoài nhà nước. Ngành cơ khí chế tạo, bao bì, giao thông vận tải… đang có nhu cầu tuyển dụng lớn lao động...
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố đang triển khai một số giải pháp thu hút lao động, như: kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ cho lao động thu nhập thấp; chương trình đưa đón lao động trở lại nhà máy an toàn; xây dựng kế hoạch học nghề trực tiếp cho sinh viên nghề…
Để khôi phục lại thị trường lao động hậu COVID-19, Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Tổng cục hiện đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.
Phương án hai là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
Hai phương án trên có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên; tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.