Đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực những nghề xu hướng mới

Một số nghề đang là xu hướng với các kỹ năng mới sẽ được xây dựng và thí điểm triển khai đào tạo ở trình độ cao đẳng và trung cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chú thích ảnh
Kết nối hệ thống robot là một trong những nghề sẽ được triển khai đào tạo nâng cao. Ảnh: XC.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Mục tiêu của chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

Chương trình đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới một năm; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại.

Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác.

Đáng chú ý, việc xây dựng kế hoạch đào tạo có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện và xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử để quản lý, kết nối các thành phần tham gia Chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi Chương trình hiệu quả. Việc đào tạo tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp.

Đối tượng tham gia đào tạo của chương trình là học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối tượng tham gia đào tạo lại là người lao động trong các doanh nghiệp.

Kinh phí thực hiện từ ngân sách, nguồn thu sự nghiệp của các trường, các quỹ hợp pháp và kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án hợp tác quốc tế, nguồn tài trợ, hỗ trợ hợp pháp trong và ngoài nước.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Tổng cục đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại. Dự kiến, 20 nghề sẽ được lên chương trình trong năm nay và sang năm 2022 bắt đầu tuyển sinh.

Theo khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 6 nghề đang là xu hướng, sẽ được đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp gồm: Giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D.

Bên cạnh đó, một số nghề khác theo hướng cập nhật, nâng cao đáp ứng công cuộc chuyển đổi số như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện - điện tử, tự động hóa, các nhóm ngành nghề như công nghiệp chế biến, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch dịch vụ, dệt may - giày da, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ô tô, cơ khí nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và một số ngành nghề khác.

"Sau khi khảo sát, trường cao đẳng trung cấp và doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp tuyển sinh đào tạo các ngành nghề mà thị trường cần này theo hình thức đặt hàng và sẽ được doanh nghiệp nhận sau khi ra trường", ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

XM/Báo Tin tức
Doanh nghiệp đã giảm đến 1/3 số lao động có được tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất?
Doanh nghiệp đã giảm đến 1/3 số lao động có được tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất?

Bạn đọc hỏi: Tôi làm việc tại doanh nghiệp dịch vụ du lịch, thương mại. Đơn vị tôi hiện giảm đến 1/3 số lao động. Vậy tôi có có đủ điều kiện để tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN