Chủ yếu tư vấn trực tuyến
Sau buổi tư vấn trực tuyến của một trường Cao đẳng về du lịch tại Hà Nội, chúng tôi trao đổi với em Uông Văn Sinh (Ba Vì, Hà Nội) thì được biết: Sinh dự định học nghề nấu ăn do có người nhà từng làm trong lĩnh vực này nhưng hiện nay dịch diễn biến phức tạp nên Sinh đang cân nhắc. Có thể em sẽ đi làm 1 thời gian lấy kinh nghiệm rồi sẽ quay về học tiếp hoặc lựa chọn ngành về sửa chữa ô tô hoặc điện tử.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên việc tư vấn, gửi hồ sơ nhập học, đóng tiền, và nhập học hiện hoàn toàn trực tuyến. Với hệ cao đẳng, trường đã tuyển sinh được 50% và hệ trung cấp vẫn tiếp tục đang tuyển đến cuối năm.
Còn ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Đến trung tuần tháng 8, trường nhận hồ sơ của 600 học sinh hệ cao đẳng, 1.100 hệ trung cấp, đạt khoảng 70%. Do đặc thù của tỉnh miền núi và dịch chưa căng thẳng nên trường áp dụng tuyển sinh cả trực tuyến và trực tiếp nhằm tư vấn tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
“Thường học sinh vào học hệ cao đẳng, trung cấp là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Học sinh học nghề mong muốn ra trường có việc làm ngay và chính sách hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, năm nay tiếp xúc tư vấn tại nhiều trường, các em phản ánh gia đình gặp khó khăn do COVID-19 nên xuống các khu công nghiệp để đi làm giúp đỡ gia đình”, thầy Hoàng Quang Đạt cho biết.
Đây là những trường có thương hiệu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhưng cũng đang chật vật tuyển sinh. Các trường nghề khác thì số lượng tuyển sinh thấp hơn rất nhiều.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Qua báo cáo của các trường cũng như theo dõi thực tế, từ đầu năm đến nay, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường vẫn chủ yếu được thực hiện theo các hình thức trực tuyến để đối phó với tình hình phải giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19. Hầu hết các trường đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh như: Thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của trường trên các trang mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.
Nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; nhiều trường đã xây dựng các ấn phẩm truyền thông số (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu...) về tư vấn, hướng nghiệp; thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đa dạng hình thức tư vấn, truyền thông
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện mới có 215/400 trường cao đẳng và 262/463 trường trung cấp và chỉ có 308 trên gần 2000 trung tâm có số liệu báo cáo (khoảng hơn 1/2 trong tổng số trường và 1/6 số trung tâm có báo cáo) về công tác tuyển sinh. Đến 15/8, theo tổng hợp trên phần mềm quản lý số liệu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021.
“Con số này cho thấy tác động của dịch COVID-19 đến công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, thường thì từ tháng 8, mới là dịp cao điểm tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi học sinh kết thúc năm học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Khi đó người học đã xác định hướng đi tiếp theo là tiếp tục học THPT (với đối tượng học xong THCS) hay nộp đơn vào các trường đại học (với đối tượng học xong THPT). Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng tuyển sinh vừa qua cho thấy, với các trường có thương hiệu, ngành nghề thị trường lao động cần kết quả tuyển sinh vẫn có những dấu hiệu tích cực”, ông Vũ Xuân Hùng cho biết.
Theo kết quả tổng hợp tuyển sinh trên phần mềm quản lý số liệu cho thấy, đầu năm 2021 một số lĩnh vực ngành, nghề vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Sức khỏe, Kinh doanh và quản lý...
“Để khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ còn kéo dài, việc tuyển sinh là vấn đề quan trọng số một cần phải được các địa phương, các trường cao đẳng trung cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn); trên webiste của nhà trường; thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động”, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chỉ đạo.
Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số để dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân.
Các trường cũng đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp; tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng với người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.