Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực với đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn:
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương |
* Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực khai thác hải sản xa bờ hiện nay?
Việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt là một bước chuyển từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ, nhất là trong điều kiện hiện nay, đánh bắt cá ven bờ đang suy giảm nhiều. Do đó, đánh bắt xa bờ là hướng cho sản lượng lớn, cá giá trị kinh tế cao.
Để chuyển đổi mô hình quy mô sản xuất thì cần thời gian chuẩn bị về phương tiện với tàu thuyền công suất lớn; hệ thống dịch vụ hậu cần kèm theo như hệ thống cung cấp dịch vụ xăng dầu, thực phẩm… để giảm chi phí đi lại. Thực tế các nước có đội tàu đánh bắt xa bờ đều có hệ thống hậu cần tốt từ cung cấp vật tư, thực phẩm trên biển đến thu mua, sơ chế, làm lạnh để bảo quản sản phẩm chất lượng cao.
Để làm được điều này, nhân lực cho đánh bắt xa bờ là vấn đề lớn. Trong hệ thống các trường đạo tạo hiện nay thì các thí sinh thi vào các ngành khai thác biển rất ít. Trường có truyền thống về ngành này là Đại học Nha Trang gần như không có sinh viên thi vào trong những năm qua do ngành này khá cực khổ. Cũng có người đăng ký học nhưng học xong có xu hướng không muốn đi xuống tàu. Đây là thách thức cho đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, chúng ta kỳ vọng khi hệ thống đánh bắt xa bờ phương tiện hiện đại, đời sống trên tàu tốt hơn thì sẽ có người theo học. Trong thực tế hiện nay việc tuyển sinh ngành này là khó. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chúng tôi có đề nghị một số địa phương ven biển cử tuyển đào tạo cho con em những người khai thác biển vào học để sau này chính họ về làm kinh tế gia đình, sẽ bám biển trên chính tàu của gia đình. Chứ tình trạng đào tạo hiện nay đối với lĩnh vực đánh bắt xa bờ những năm qua là khó khăn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó sản phẩm khai thác biển của mình về kỹ thuật sau thu hoạch xử lý ra sao là vấn đề đáng quan tâm. Vấn đề bảo quản hiện nay chưa tốt dẫn đến giá trị sản phẩm hải sản sau đánh bắt thua nhiều nước. Do đó, trong đào tạo chuyên ngành này cần cập nhật mới về công nghệ, đơn cử như đánh bắt cá ngừ sản phẩm có giá bán rất thấp nếu so với Nhật Bản do công nghệ làm thịt, bảo quản ướp lạnh... Do đó, các kỹ thuật mới cập nhật để nâng giá trị sản phẩm.
* Vậy trong thời gian tới, theo ông chúng ta có hướng nào để nâng cao nguồn nhân lực này?
Đối với từng đối tượng khai thác thì có ngư cụ cũng như đánh bắt ở tầng nước nào, từ đó sẽ có cách thức vận hành thiết bị kỹ thuật mới tương ứng để mang lại hiệu quả. Để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng đánh bắt xa bờ, theo tôi thông qua các tổ chức nghiệp đoàn nghề cá. Đây là những đơn vị sẽ tổ chức khai thác qua các đội tàu lớn. Do đó họ phải có người chỉ huy đội tàu như thế nào, tàu thành viên vận hành xung quanh ra sao, điều phối nhân viên kỹ thuật, hậu cần… Vì thế cần một quá trình chuẩn bị đào tạo cho đánh bắt xa bờ theo quy mô lớn.
* Để đáp ứng yêu cầu này, theo ông cần có chính sách như thế nào để tạo bước chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực đánh bắt cá xa bờ?
Đối với ngành nông nghiệp chung và lĩnh vực khai thác biển trong thời gian qua tuyển sinh khó hơn so với ngành quản lý, kinh tế, luật. Do đó, Nhà nước cần có chính sách với ngành này qua việc ưu tiên về miễn học phí, chế độ học bổng, ưu tiên trợ cấp, vay vốn. Khi có chính sách đồng bộ trong việc đào tạo với lĩnh vực này sẽ tạo bước chuyển biến cho lĩnh vực này.
* Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường