Học sinh đi học sau kỳ nghỉ dài, bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh COVID-19, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được nhiều phụ huynh quan tâm bởi thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu. Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Cẩn trọng với bữa ăn bán trú
Ngày 4/5, khi học sinh tiểu học được phép quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài do dịch bệnh COVID-19, không như một số trường khác, Trường Tiểu học Bông Sao, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh lập tức tiếp nhận học sinh bán trú và mở lại bếp ăn bán trú cho học sinh. Lý giải về điều này, ông Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao cho biết, do nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú nên công tác vận hành lại bếp ăn sau dịch cũng không quá khó khăn. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nhà trường chú trọng là phun khử khuẩn toàn bộ trường học, trong đó có khu vực bếp ăn tập thể.
“Sau khi hoạt động trở lại, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo Bộ tiêu chí mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đưa ra, trong đó có các tiêu chí về thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh. Bên cạnh các quy định về an toàn thực phẩm, Nhà trường yêu cầu nhân viên cấp dưỡng phải thực hiện các quy định về an toàn dịch bệnh. Cụ thể, hàng ngày các nhân viên cấp dưỡng phải liên tục khử khuẩn, vệ sinh dụng cụ, các bề mặt trong khu vực chế biến và nơi học sinh dùng bữa trưa. Nhân viên cấp dưỡng phải tuân thủ các quy định trong quá trình chế biến thức ăn như đeo khẩu trang, đeo bao tay, trùm kín đầu tóc…”, ông Lê Thành Sơn cho biết.
Được biết, mỗi ngày, Trường Tiểu học Bông Sao cung cấp khoảng 1.300 suất ăn cho học sinh bán trú. Nhằm tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong trường học, bên cạnh việc tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn thực phẩm, Nhà trường đã chủ động lắp đặt thêm các bồn rửa tay, trang bị dung dịch khử khuẩn để cả học sinh, giáo viên và nhân viên của trường thường xuyên rửa tay, khử khuẩn.
Tương tự, Trường Mầm non Bình Trị Đông, quận Bình Tân cũng tổ chức bữa ăn cho trẻ mầm non cẩn trọng hơn khi trẻ quay lại trường sau kỳ nghỉ dài. Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Trị Đông cho biết, bếp ăn của trường được tổ chức theo quy trình 1 chiều, từ khâu tiếp nhận thực phẩm đến khâu chế biến, phân chia thức ăn đến các lớp: "Chúng tôi thực hiện đúng quy trình, khu vực chế biến và khu vực phân chia thức ăn được tách biệt hoàn toàn. Từ khi có dịch COVID-19, chúng tôi cũng được hướng dẫn việc khử khuẩn khu vực bếp ăn, làm sạch các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn. Quan trọng hơn là Nhà trường luôn nhắc nhở nhân viên cấp dưỡng phải đeo khẩu trang, găng tay... trong suốt quá trình chế biến thức ăn".
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Tân chia sẻ, để phụ huynh hoàn toàn yên tâm, từ lâu nhà trường đã mời đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát hoạt động của bếp ăn tập thể. "Sau khi dịch COVID-19 xảy ra, Nhà trường càng ý thức hơn trong việc chuẩn bị kỹ càng bữa ăn cho học sinh, nhất là các quy định về an toàn thực phẩm và quy định vệ sinh phòng bệnh", bà Xuân cho hay.
Nhằm tăng cường sức đề kháng cho học sinh sau dịch bệnh, Nhà trường đã tăng cường bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin, trái cây, rau xanh vào bữa ăn của học sinh.
Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong trường học
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn Thành phố hiện có 1.974 cơ sở giáo dục, trong đó có 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn. Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong vấn đề an toàn thực phẩm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tuân thủ các quy định trong Bộ tiêu chí an toàn, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm. Các trường học được mở lại căn-tin, bếp ăn bán trú... nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn bề mặt...
Nhìn nhận vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học, Phó Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đa số các trường học trên địa bàn thực hiện khá tốt việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, nhất là các trường tự tổ chức bếp ăn tập thể. Từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi trường học hoạt động trở lại, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh; yêu cầu các trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng-tin.
Những tiêu chí cần tuân thủ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh như: Quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm… và toàn bộ thực phẩm bắt buộc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối.
Đặc biệt, từ năm học 2019 - 2020, ngoài quy định thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm khuyến khích các trường lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm đạt các tiêu chuẩn cao hơn như: FSSC 22000:2005, GlobalGap, VietGap, ISO 22000:2005, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn...
Đáng chú ý, năm nay năm học kéo dài hơn thường lệ, dù mùa hè đã tới nhưng học sinh vẫn phải đi học; trong khi đó, thời tiết nóng nực của mùa hè thực phẩm dễ bị hư hỏng, ôi thiu. Do vậy, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo các trường cần làm tốt công tác bảo quản thực phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa thời gian chế biến và thời gian học sinh sử dụng thực phẩm, rút ngắn thời gian vận chuyển thực phẩm... "Lo ngại nhất vẫn là những bữa ăn xế, đa số các trường chọn thực phẩm ăn xế cho học sinh thường là bánh, sữa, chè... những loại thực phẩm này càng dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Bên cạnh đó, các trường cần lưu ý thực đơn trong các bữa ăn, tăng cường cung cấp rau xanh, trái cây, hạn chế các thực phẩm gây nóng, khó tiêu. Đáng chú ý, thời tiết nóng nực nên nhu cầu học sinh uống nước kèm đá lạnh mua ở các căng-tin trường học nhiều hơn. Do đó, bà Lan lưu ý các trường cần kiểm soát tốt nguồn gốc của đá lạnh sử dụng tại các căng-tin của trường mình. "Quan trọng hơn là khâu chế biến thức ăn phải đảm bảo an toàn để không những phòng tránh ngộ độc cấp tính mà còn phải phòng ngừa cả nguy cơ các chất độc được sản sinh ra trong quá trình chế biến có thể tích tụ lâu năm trong cơ thể trẻ", bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.