Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Đề cao hiệu của công tác thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Cần Thơ Lê Thị Sương Mai cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Liên đoàn lao động thành phố Cần Thơ luôn coi trọng, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công đoàn các cấp, nhất là nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế.
Liên đoàn Lao động thành phố đã thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra các cấp, toàn thành phố có 546 ủy ban kiểm tra với tổng số cán bộ làm công tác kiểm tra 2.295 nhân sự; định kỳ tổ chức lớp tập huấn 1 kỳ/năm. Nhiệm kỳ qua tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 3.711 lượt cán bộ công đoàn cơ sở tham gia và cử cán bộ công đoàn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát do Tổng Liên đoàn tổ chức
Qua bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ nắm vững hơn chuyên môn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn, có kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”, bà Lê Thị Sương Mai cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của tổ chức công đoàn về công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn hiểu rõ đây là một nhiệm vụ xây dựng, phát triển niềm tin của đoàn viên, củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Liên đoàn sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động của Ủy ban kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra; lựa chọn nội dung phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Việc kiểm tra, giám sát bảo đảm nguyên tắc và quy trình kiểm tra, vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của đoàn kiểm tra và trưởng đoàn kiểm tra; giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận, kiến nghị...
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, thời gian tới Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp thành phố Cần Thơ quyết tâm đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, uốn nắn kịp thời những dấu hiệu vi phạm, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh trong tình hình mới.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Cần Thơ Lê Thị Sương Mai đề nghị Tổng Liên đoàn có cơ chế khen thưởng đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vào quy chế khen thưởng của tổ chức công đoàn. Đồng thời Tổng Liên đoàn thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động về công tác kiểm tra nhằm giúp cán bộ nắm vững phương pháp hoạt động, thực hiện có hiệu quả; có hướng dẫn, cơ chế giải quyết các vụ việc không chấp hành đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật chiếm dụng kinh phí công đoàn, quản lý sử dụng tài chính công đoàn không đúng quy định pháp luật…
Bảo vệ quyền lợi lao động nữ
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, ngành Dệt may Việt Nam có đông lao động nữ (chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành). Do đó đơn vị luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhiệm kỳ qua đã đánh dấu nhiều mô hình hay, giải pháp mới của Công đoàn ngành trong lĩnh vực này.
Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu; tích cực tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ như góp ý bổ sung sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội... Nhiệm kỳ qua, toàn hệ thống đã trích gần 67,5 tỉ đồng hỗ trợ cho trên 594.000 lượt lao động nữ. Trong 5 năm qua, có trên 41.700 lượt nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp; công đoàn ngành đã trích 2,7 tỉ đồng khen thưởng cho trên 4.800 học sinh giỏi cấp ngành và trao học bổng “Đồng hành cùng em đến trường” động viên con người lao động vượt khó...
Bà Phạm Thị Than Tâm cho biết, thời gian tới, công đoàn ngành tiếp tục nghiên cứu đặc thù, điều kiện làm việc của ngành để tham gia xây dựng chế độ chính sách nữ, đặc biệt là chế độ đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Đơn vị cũng tăng cường các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng, tay nghề, năng lực thích ứng cho lao động nữ để có được việc làm bền vững.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ để khuyến khích thực hiện tuyển dụng, chi các khoản tăng thêm cho lao động nữ; đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.
Các cơ quan chức năng quan tâm cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận nhà ở xã hội, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp lao động nữ nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững…