Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức vào ngày 29/5, nhiều người đi xe ô tô từ khu vực sát trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội và gần cầu Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) rất bất ngờ khi đoạn đường thường hay đi đã bị chủ đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội là Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) dùng các khối bê tông chặn đường Song Hành Xa lộ Hà Nội và lối rẽ dưới chân cầu Rạch Chiếc.
Những khối bê tông này nhằm ngăn ô tô lưu thông vào đường dẫn dưới chân cầu Rạch Chiếc để vòng lên trên cầu. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người dân trong khu vực và cư dân chung cư Him Lam Phú An (gần BOT Xa lộ Hà Nội) tỏ ra bức xúc vì không thể lưu thông qua đường dẫn để lên cầu Rạch Chiếc như từ trước tới nay, mà thay vào đó phải đi đường vòng và buộc phải qua trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội mới lên được cầu Rạch Chiếc.
Chị H.Y (ngụ tại chung cư Him Lam Phú An, thành phố Thủ Đức) bức xúc: “Nếu đi theo lộ trình này, người đi ô tô sống gần sát chân cầu Rạch Chiếc cũng như khu vực trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội buộc phải trả phí khi qua trạm để lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố. Điều này thật bất hợp lý vì cư dân chúng tôi không hề đi qua đoạn đường thuộc dự án BOT mà vẫn phải trả phí này. Nếu ngày nào chúng tôi cũng đi vào trung tâm thành phố, nghĩa là ngày nào cũng phải qua trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội thì chúng tôi phải trả 810.000 đồng/tháng (xe ô tô con dưới 7 chỗ phải trả phí 27.000 đồng/lượt). Xăng đã tăng giờ thêm phí BOT khiến chúng tôi quá bức xúc".
Nhiều người dân đặt câu hỏi, liệu đây có phải là phương án tạm thời để sửa chữa đường khu vực dưới dạ cầu Rạch Chiếc hay là một cách tận thu phí?. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc điều hành dự án BOT Xa lộ Hà Nội cho biết: “Tôi khẳng định việc này không phải tận thu phí, các phương tiện đi qua trạm thu phí mới thu. Ví dụ như chiều từ trung tâm thành phố đi qua cầu Rạch Chiếc thì các phương tiện tránh trạm thu phí đi vào đường Nam Hòa nên chúng tôi không thu được. Đối với các phương tiện đi vòng dưới dạ cầu Rạch Chiếc, thực ra là cố tình né trạm thu phí vì đường dưới cầu Rạch Chiếc là đường tạm, phục vụ thi công cho dạ cầu Rạch Chiếc trước đây".
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nam, CII đã trình Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phương án tổ chức giao thông khu vực trên và đã được chấp thuận cho đưa vào khai thác tuyến Song Hành phía bên phường Bình Thọ, từ dạ cầu Rạch Chiếc đến Võ Văn Ngân. Ngày 29/5, đơn vị mới thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông, kết hợp việc thi công hoàn thiện phần đường Song Hành thuộc phường Phước Long A theo yêu cầu của Sở GTVT.
"Chúng tôi thi công bó lề, vỉa hè và phối hợp với thành phố Thủ Đức giải phóng mặt bằng những vị trí còn lại để thi công hoàn thiện. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi chuyển hướng lưu thông cho các phương tiện đi qua chứ không phải mục đích ngăn đường, cấm đường", ông Nam khẳng định.
Theo đó, trong quyết định về cho phép thu phí của UBND TP Hồ Chí Minh có chính sách miễn, giảm phí cho các hộ dân có xe ô tô không kinh doanh trên mặt tiền đường Song Hành Xa lộ Hà Nội; đối với người dân sống bên trong, UBND Thành phố chưa đề cập đến miễn giảm cho các hộ dân. Vì thế, ông Nguyễn Thanh Nam cho rằng đơn vị chỉ chấp hành theo quyết định, việc giải quyết sau này như thế nào phải có sự đồng thuận của địa phương và các sở, ngành của Thành phố.
“Chúng tôi khẳng định, mục đích ở đây là đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực dưới dạ cầu Rạch Chiếc chứ không phải tận thu vì hợp đồng BOT ký với UBND TP Hồ Chí Minh không khoán thời điểm thu phí. Nếu doanh thu thu phí tăng thì chúng tôi rút gắn thời gian thu phí, còn doanh thu thấp sẽ kéo dài thời gian thu phí”, ông Nguyễn Thanh Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đề nghị của những người dân sống xung quanh trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội và gần cầu Rạch Chiếc, cơ quan chức năng cần có phương án minh bạch và phân biệt đâu là xe né trạm thu phí và đâu là cư dân sống gần đấy để có chính sách miễn, giảm phí cho cư dân; tránh trường hợp "tận thu" phí của tất cả mọi người chỉ vì lí do có nhiều xe né trạm.