Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực đô thị thông minh giữa Việt Nam- Hàn Quốc

"Hội thảo Việt – Hàn về Đô thị thông minh" (Korea-Vietnam Seminar on Smart City) nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực đô thị thông minh.

Các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc tham dự Hội thảo.

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in,  sáng 22/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức "Hội thảo Việt – Hàn về Đô thị thông minh". Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực đô thị thông minh, qua đó thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc nói riêng, cũng như giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nói chung.

Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cùng trao đổi thông tin về vấn đề đô thị thông minh.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee; các vị đại biểu đến từ Tổng công ty nhà ở và đất đai Hàn Quốc LH, Viện nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc, Viện công nghệ xây dựng Hàn Quốc, Hiệp hội xây dựng ngoài nước cùng các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, phát triển đô thị thông minh cần tập trung xoay quanh ba nội dung cơ bản: Quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức và cá nhân trong đó.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee và các đại biểu cùng trao đổi về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đô thị thông minh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải có một hệ thống giải pháp phát triển một cách cụ thể, bao gồm các ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển đô thị thông minh trước yêu cầu và thách thức của đô thị hóa hiện đại, hướng tới phát triển đô thị xanh và bền vững. 


Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững, một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương... Theo nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Hàn Quốc với tư cách là quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ đô thị thông minh, đã đạt được nhiều thành công trong quy hoạch, quản lý giao thông, quản lý cư dân… có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm thực tiễn quý báu.

Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee phát biểu, chia sẻ: Hàn Quốc đã xây dựng luật về đô thị thông minh từ năm 2008. Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm về phát triển đô thị thông minh bao gồm: dữ liệu, quản lý... để người dân có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách hiệu quả nhất. 


Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều nội dung xoay quanh chủ đề về hiện trạng phát triển đô thị ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 813 đô thị,  trong đó có hai đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 640 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá  toàn quốc khoảng 37,5%, trung bình mỗi tháng có 1 đô thị quy mô nhỏ ra đời. Với tốc độ phát triển đô thị nhanh như vậy đã đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.


Đánh giá chung, chất lượng tăng trưởng đô thị của Việt Nam chưa cao, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng vùng và quốc gia. Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế, triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao.


Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. Việc quản lý đô thị cũng chưa hiệu quả, năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.


Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương về phát triển đô thị thông minh như: Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Công văn số10384/VPCP-KGVX về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Công văn số 58/BTTTT-KHCN về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.


Các địa phương cũng đã có những nỗ lực riêng của mình trong việc phát triển đô thị thông minh như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương...


PT/ Báo Tin tức
Xây dựng đô thị thông minh, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0
Xây dựng đô thị thông minh, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0

Hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai xây dựng thành phố thông minh (smart city) với các lĩnh vực thí điểm như: Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh... Việc xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN