BHXH cung cấp thông tin về những tác động liên quan đến BHYT khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế |
Theo báo cáo của các địa phương, ngay từ 1/3/2016, phần lớn là bệnh viện hạng I, tuyến Trung ương và bệnh viện của 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 132 bệnh viện tư nhân và 237 Phòng khám đa khoa tư nhân (chiếm 20 % tổng số cơ sở KCB BHYT trên cả nước) thực hiện giá dịch vụ tính cả lương và phụ cấp đặc thù. Như vậy, mức gia tăng chi phí KCB BHYT là rất lớn ngay từ quý II năm 2016 vì chi phí tại các bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức chiếm tỷ trọng chi phí rất cao trong thanh toán BHYT tại khối các bệnh viện Trung Ương). Dự báo, năm 2016, chi phí khám, chữa bệnh sẽ gia tăng khoảng 50% so với năm 2015, tăng hơn rất nhiều so với mức dự kiến là 30%.
Như vậy, việc kiểm soát chi phí KCB BHYT trong thời gian tới sẽ phải hết sức tập trung để giảm bớt tác động kép khi tăng giá dịch vụ y tế đối với quỹ BHYT. Trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ đưa vào áp dụng phần mềm giám định điện tử để giám sát chi phí khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở KCB. Đồng thời sẽ chỉ đạo cơ quan BHXH các tỉnh phối hợp với thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện giá dịch vụ y tế mới, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ y tế được thực hiện đúng theo quy định đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.
Theo ông Phạm Lương Sơn, việc kiểm soát chặt chẽ kết hợp với kết dư từ các năm trước của Quỹ BHYT đảm bảo Quỹ vẫn an toàn và sẽ không tăng mức đóng BHYT đến năm 2017.
Dù đã thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện nhưng hiện nay số người tham gia BHYT đầu năm 2016 giảm 1,6 triệu người do một số địa phương chưa phê duyệt danh sách người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện KTXH khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế ĐBKK, người sống ở xã, huyện đảo.