Cấp bách xóa lối mở qua đường sắt, không để người dân đối mặt với 'tử thần'

Chỉ khoảng 4 km tuyến đường sắt Bắc Nam đi các phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) của TP Hà Nội, nhưng có đến cả trăm lối mở lớn nhỏ băng qua đường sắt. Thực tế này rất đáng báo động khi theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), có tới 70% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra hiện nay tại các vị trí lối mở, còn lại là tại các vị trí giao cắt có gác chắn.

Các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành Đường sắt. Các lối mở này thường đi vào các ngõ xóm có đông các hộ dân sinh sống, nên có đặc điểm chung là dốc về hai bên lên xuống đường sắt, được lát đá và gắn biển báo “chú ý tàu hỏa” tạm bợ, thậm chí trở thành những điểm tập kết rác thải, có nhiều chướng ngại vật che khuất tầm nhìn mỗi khi có tàu đi qua… nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thường trực, chưa kể nhiều hộ dân ngay sát đường tàu còn “bàng quang” tổ chức sinh hoạt cuộc sống gia đình ngay các vị trí lối mở, coi như hành lang nhà mình...

Video Cấp bách xóa lối mở qua đường sắt, không để người dân đối mặt với 'tử thần':

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 216/KH-UBND thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối mở qua đường sắt, đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ các lối mở qua đường sắt ở khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường sắt có tốc độ, mật độ chạy tàu cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt và thiết lập hệ thống cảnh giới, xây dựng gờ giảm tốc tại tất cả các lối mở có nguy cơ cao mất an toàn, giải tỏa hành lang đường sắt, rào lại hàng rào hộ lan tại các lối mở…

Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội cũng đề ra kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ, trong đó, hoàn thành hệ thống đường gom dài gần 16.000 km và xóa bỏ toàn bộ các lối mở còn lại, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia… Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên kế hoạch chưa hoàn thành.

Chú thích ảnh
Vị trí lối mở ngõ 244 phố Lê Duẩn mặc dù các gác chắn, biển báo tự động, nhưng có thể coi là lối mở nhếch nhác, điểm nóng nhất trên tuyến phố vì hàng ngày có đông người qua lại, họp chợ... 
Chú thích ảnh
Người dân qua lại tại vị trí lối mở giao cắt đường sắt - đường bộ này nườm nượp hàng ngày.
Chú thích ảnh
Cây cảnh bên trong, rác thải bên ngoài bủa vây vị trí lối mở, che khuất tầm nhìn với người đi qua đường sắt. 
Chú thích ảnh
Người dân đi qua lối mở như thế này trên phố Lê Duẩn, nếu thiếu quan sát dễ xảy ra tai nạn.
Chú thích ảnh
Nhiều lối mở qua đường sắt trên phố Lê Duẩn gần ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Kim Liên, người dân chưa kịp tháo gỡ hàng rào hộ lan làm lối đi, nên dựng các bậc tam cấp bằng bê tông để trèo qua.
Chú thích ảnh
Tuyến phố Lê Duẩn có khá nhiều lối mở lớn nhỏ vì tập trung đông dân cư sinh sống.

Rà soát của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, TP Hà Nội hiện có 6 tuyến đường sắt đi qua 18 quận, huyện, với tổng chiều dài hơn 162 km gồm: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 40,85 km; Yên Viên - Lào Cao dài 37 km; Gia Lâm - Hải Phòng dài 11,61 km; Hà Nội - Đồng Đăng dài 13,6 km; Đông Anh - Quán Triều dài 20,3 km; Bắc Hồng - Văn Điển dài 38,7 km. Toàn thành phố hiện tồn tại 363 lối mở qua đường sắt trên địa bàn 17 quận, huyện, đây là những ''điểm đen'' tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn 545 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó: 182 vị trí đường ngang hợp pháp (78 đường ngang có gác chắn, 77 đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 27 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Trong 363 lối mở trên, Sở GTVT Hà Nội mới tổ chức trực cảnh giới tại 17 vị trí (chủ yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh), các địa phương, doanh nghiệp trực tại 5 vị trí.

Chú thích ảnh
Việc người dân đi xe gắn máy từ dốc bên này sang dốc bên kia đường sắt, chở trẻ em, chở nặng... đáng quan ngại.
Chú thích ảnh
Nhếch nhác biển báo tại vị trí lối mở vào cổng trụ sở Tổng công ty Xi măng Việt Nam, mặc dù tại đây có gác chắn tự động.
Chú thích ảnh
Lối mở tại ngõ 496 đường Ngọc Hồi, với biển cảnh báo, cột chắn sơ sài cho thấy, không ít người dân nơi đây "thờ ơ" với hiểm họa đường sắt.
Chú thích ảnh
Với lối mở quá sơ sài như thế này trên đường Ngọc Hồi, hiểm họa tai nạn đường sắt có thể "rình rập" bất cứ lúc nào. 
Chú thích ảnh
Do lối lên xuống tại vị trí lối mở dốc, nên việc đi xe gắn máy, xe đạp qua đường sắt gặp khó khăn, nhất là đối với học sinh, người cao tuổi và em học sinh này suýt bị ngã khi cố lao xe gắn máy qua.  
Chú thích ảnh
Một lối mở trên đường Giải Phóng được người dân tháo khoảng 1m hàng rào hộ lan để làm lối đi qua đường sắt. 

Thực tế, đường sắt ít xảy ra TNGT, nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, công tác phối hợp giữa Sở GTVT và các quận, huyện nhằm quản lý, đảm bảo ATGT dọc theo các tuyến đường sắt, xóa bỏ các lối mở, điểm giao cắt mất an toàn hiện nay là vấn đề cấp thiết, vì nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua chủ yếu là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và chuyển hướng sai quy định, cũng như hệ thống cảnh báo tàu hỏa vừa thiếu vừa yếu.

Báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, Hà Nội hiện là một trong những địa phương có nhiều lối mở qua đường sắt nhất trên cả nước. Hà Nội cũng có tới hơn 200 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, hơn 800 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý. Thực trạng này khiến nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt vẫn cao do việc xử lý vi phạm hành lang đường sắt trên địa bàn Hà Nội chưa được cải thiện, trong khi trách nhiệm chính thuộc về địa phương vì đã ký cam kết bàn giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cục Đường sắt Việt Nam mới đây cũng vừa làm việc với Ban ATGT TP Hà Nội và chính quyền các quận, huyện có đường sắt đi qua để tìm hướng xử lý dứt điểm những tồn tại trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đề nghị TP Hà Nội sớm có quy hoạch về các giao cắt đường bộ - đường sắt, nhất là các vị trí giao cắt khác mức bằng cầu vượt hoặc hầm chui qua đường sắt, để có phương án, kế hoạch triển khai; đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý, xóa bỏ các lối mở theo lộ trình tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối mở qua đường sắt. Theo đó, từ nay đến 2025, Hà Nội cần bố trí hơn 220 tỷ đồng để xóa bỏ hoàn toàn các lối mở này.

Chú thích ảnh
Lối mở này được người dân dựng bậc tam cấp bằng gạch bê tông để dễ dàng trèo qua hàng rào hộ lan.
Chú thích ảnh
Vị trí lối mở này trên đường Giải Phóng còn được các hộ dân biến thành nơi trổng rau, trồng cây xanh, sinh hoạt... và lắp bậc tam cấp lên xuống qua hàng rào hộ lan.  
Chú thích ảnh
Một lối mở tự phát trên đường Giải Phóng được các hộ dân xóa bỏ, chặn bằng vài thanh sắt tạm bợ, do nguy hiểm đối với trẻ em, nhưng chỉ như "muối bỏ biển".  
Chú thích ảnh
Vị trí lối mở vào cổng trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông, mặc dù có gác chắn tự động, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chú thích ảnh
Tại lối mở ngõ 244 phố Lê Duẩn, thậm chí người dân còn dựng xe máy ngay trên vị trí giao cắt đường sắt - đường bộ. 
Chú thích ảnh
Mỗi khi có đường sắt chạy qua, nếu không cảnh báo, gác chắn tự động hay thông báo của nhân viên gác chắn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Qua tìm hiểu, sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 358/TTg, đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa lập kế hoạch, lộ trình tổng thể xóa bỏ lối mở qua đường sắt hoặc đã triển khai nhưng tiến độ “ì ạch”. Hàng loạt vụ tai nạn đường sắt tại các lối tự mở thời gian qua đã và đang gây bức xúc dư luận, báo động tới các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương về công tác giám sát và xử lý vi phạm, nhưng công tác quản lý vẫn "bỏ ngỏ". 

Chưa hết, thực trạng tàu hỏa đâm, va phương tiện tại các vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt cũng đáng báo động. Nhiều vụ tai nạn không chỉ thiệt hại về người, phương tiện đường bộ, mà còn gây hỏng hóc tàu đường sắt, phải khắc phục hậu quả lâu dài và ùn tắc giao thông nhiều giờ. Thống kê trong 9 tháng (từ ngày 16/12/2021 - 15/9/2022), trên các tuyến đường sắt xảy ra tới 129 vụ tai nạn, tăng 11 vụ (9%), làm chết 57 người, giảm 2 người (3%), bị thương 73 người, tăng 14 người (24%). Trong đó, 55/129 vụ xảy ra tại lối mở, chiếm tỷ lệ đến 42,63%; xảy ra dọc 2 bên đường sắt 63/129 vụ, chiếm tỷ lệ từ 49%. Còn từ năm 2015 đến tháng 9/2022, tai nạn xảy ra tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ từ 41 - 48% số vụ hàng năm; xảy ra dọc 2 bên đường sắt chiếm tỷ lệ từ 35 - 56%...

Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 358/TTg, với sự phối hợp giữa Bộ GTVT, đến ngày 30/9/2022, cả nước mới xóa bỏ được hơn 400 lối mở, vẫn còn tồn tại trên 3.600 lối mở. Các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang ATGT đường sắt và phải thực thi nghiêm với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Bài, ảnh, video: Minh Huyền-Vân Sơn/Báo Tin tức
Đề nghị địa phương bố trí ngân sách xóa lối đi tự mở qua đường sắt
Đề nghị địa phương bố trí ngân sách xóa lối đi tự mở qua đường sắt

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 385).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN