Cấp bách
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt ban hành theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 358), với mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, nhưng đến nay, cả nước mới thực hiện được 418 điểm, vẫn tồn tại hơn 3.600 lối đi tự mở (chiếm 71%) tổng giao cắt đường sắt và đường bộ trên cả nước.
Hàng loạt vụ tai nạn đường sắt tại lối đi tự mở thời gian qua đã và đang gây bức xúc dư luận, báo động tới các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương về công tác giám sát và xử lý vi phạm. Đơn cử, ngày 10/10/2022 vừa qua, trên đoạn tuyến đường sắt qua tỉnh Khánh Hòa, tàu khách Thống nhất SE4 đang chạy hướng Sài Gòn - Hà Nội, đến lối đi tự mở Km 1300+350 khu gian Lương Sơn - Phong Thạnh thì đầu máy va ô tô tải bị kẹt trên đường sắt. Cú va chạm khiến xe ô tô bị hư hỏng nặng, mắc vào thành toa tàu, mặc dù lái tàu không bị thương, nhưng khiến gần 200 hành khách trên tàu “hú vía”.
Hay ngày 4/5/2022, tại lối đi tự mở Km 299+625 khu gian Mỹ Lý - Quán Hành (Nghệ An), ô tô tải chở vật liệu xây dựng không quan sát, vượt ẩu qua đường sắt, bị tàu khách SE7 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn đâm phải. Hậu quả, hai người trên xe ô tô thương vong…
Chưa hết, thực trạng tàu đâm, va phương tiện tại các giao cắt đường bộ - đường sắt cũng đáng báo động. Nhiều vụ tai nạn không chỉ thiệt hại về người, phương tiện đường bộ, mà còn hỏng hóc tàu đường sắt, phải khắc phục hậu quả lâu dài và ùn tắc đường sắt nhiều giờ. Thống kê trong 9 tháng (từ ngày 16/12/2021 - 15/9/2022) trên các tuyến đường sắt xảy ra tới 129 vụ tai nạn, tăng 11 vụ (9%), làm chết 57 người, giảm 2 người (3%), bị thương 73 người, tăng 14 người (24%). Trong đó, 55/129 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ đến 42,63%; xảy ra dọc 2 bên đường sắt 63/129 vụ, chiếm tỷ lệ từ 49%. Còn từ năm 2015 đến tháng 9/2022, tai nạn xảy ra tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ từ 41 - 48% số vụ hàng năm; xảy ra dọc 2 bên đường sắt chiếm tỷ lệ từ 35 - 56%...
Không lùi tiến độ Đề án 358
Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có quá nhiều giao cắt đồng mức, cùng đó, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế. Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện Đề án 358, đưa ra nhiều giải pháp, xác định rõ trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và bố trí nguồn vốn, lộ trình triển khai. Mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, xử lý triệt để vi phạm; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5 - 10% hàng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Với kết quả đến thời điểm này mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở; xây dựng đường gom, hàng rào được 7,737/650,221km, đạt 1,19% kế hoạch; xây dựng 4/297 đường ngang, đạt 1,35%; xây dựng 1 hầm chui/149 hầm, đạt 0,67%... lãnh đạo VNR đánh giá là quá chậm, đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu.
Theo đánh giá của VNR, hầu hết địa phương đã có kế hoạch chi tiết để xóa lối đi tự mở trên địa bàn, nhưng triển khai “ì ạch” chủ yếu do chưa có kinh phí. Đề án 358 sử dụng nguồn vốn dành cho công tác an toàn giao thông của các địa phương hoặc vốn từ các dự án của Trung ương. Địa phương phải lập kế hoạch triển khai, trong đó nêu rõ vốn địa phương bao nhiêu, vốn Trung ương bao nhiêu để báo cáo xin phân bổ, song Trung ương cũng chưa có nguồn bố trí cho địa phương.
Trong khi để làm đường gom xóa lối đi tự mở, công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các diện tích nhà dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nằm trong hành lang đường sắt. Bên cạnh đó, một số địa phương xóa bỏ lối đi tự mở, nhưng chủ yếu là đóng trực tiếp lối đi nên kinh phí không nhiều, trong khi giải pháp căn cơ là phải làm đường gom, cần kinh phí lớn…
Về vấn đề này, Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ đến năm 2025 phải hoàn thành xóa bỏ hoàn toàn lối mở qua đường sắt tại các địa phương; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong thực hiện nội dung này. Do đó, địa phương nào không hoàn thành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Vì vậy, quan điểm của Cục Đường sắt Việt Nam và VNR là các địa phương cần chủ động kinh phí từ ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng lộ trình, không chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương.
Đề án 358 khái toán kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 bào gồm: Kinh phí để xây dựng hàng rào, đường gom, cầu vượt để xóa lối đi tự mở còn lại sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương hơn 4.505 tỷ đồng; kinh phí để xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 là hơn 1.799 tỷ đồng.