Cấm phương tiện qua cầu Thăng Long để sửa chữa tổng thể từ ngày 8/8

Chiều 20/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) thông báo, từ ngày 8/8/2020 sẽ chính thức cấm các loại phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long để thực hiện Dự án sửa chữa tổng thể cầu trong thời gian 150 ngày, với tổng kinh phí 269,3 tỷ đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, để thực hiện lệnh cấm xe này, từ ngày 20/7, các đơn vị thực hiện dự án cắm biển báo và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7-8/8/2020 và bắt đầu cấm phương tiện lưu thông từ ngày 8/8/2020 để thi công.

Vốn đầu tư thực hiện dự án trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Liên danh nhà thầu thi công gồm các công ty xây dựng: Thành Hưng–Vĩnh Hưng–Phương Thành–Thuận An.

Phương án sửa chữa cầu đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống nhất: Cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; thảm lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6 cm; thảm bê tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0 cm; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985. Dự án gồm cầu chính vượt sông dài 1.680 m có 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ.

Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1 m, rộng 17 m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5 m, phần đường ô tô rộng 16,5 m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m. Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cấu bằng các nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 33 m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (53 nhịp phía Bắc và 63 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.823 m.

Sau thời gian khai thác hàng chục năm, phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng, với đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu đồng thời phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long để đảm bảo khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường Vành đai III là nhiệm vụ cấp bách của ngành GTVT hiện nay.

Chú thích ảnh
Bình đồ phân luồng giao thông sửa chữa cầu Thăng Long.

Phương án phân luồng giao thông từ xa để sửa chữa cầu Thăng Long:

- Xe tải có khối lượng toàn bộ ≥1,25 tấn theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một phần của tỉnh Lai Châu đi về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại, theo các lộ trình như sau:

1.1. Các phương tiện đi trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Nút giao IC8 hoặc IC7 → rẽ ra QL.2 đến Km41+00 → rẽ phải vào QL.2 tuyến tránh TP. Vĩnh Yên khoảng 500m → rẽ phải vào QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.2. Các phương tiện đi trên QL.2 đến Km85+00 → rẽ phải vào đường HCM → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.3. Các phương tiện đi trên QL.2 từ hướng Lào Cai, Yên Bái đến Nút giao IC8 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai → đi ra QL.2 → rẽ phải vào QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.4. Các phương tiện đi trên QL.2 từ hướng Việt Trì đến Nút giao IC8 (đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) → Quay đầu → rẽ QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch → Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.5. Các phương tiện đi trên QL.2C đến cầu Liễn Sơn (QL.2C) → Đi qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch → Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.6. Các phương tiện đi trên QL.2B từ hướng Tuyên Quang, Tam Đảo đi đến trạm thu phí IC4 (đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) → đi thẳng QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.7. Các phương tiện đi trên QL.2B đến trạm thu phí IC4 (đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) → quay đầu đi ra QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

1.8. Các phương tiện từ hướng Yên Bái, Phú Thọ đi trên QL.2 đến nút giao giữa QL.2 với QL.2C (Km41+500/QL.2) → rẽ phải vào QL.2C, qua cầu Vĩnh Thịnh → theo QL.32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

Phương tiện từ khu vực các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, và một phần của tỉnh Tuyên Quang, huyện Đông Anh TP. Hà Nội về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại, theo các lộ trình như sau:

2.1. Các phương tiện đi trên QL.3 cũ đến nút giao QL.3 với QL.18 → đi vào QL.18 → rẽ ra QL.1 qua cầu Thanh Trì → đường Vành đai III trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

2.2. Các phương tiện đi trên QL.3 mới đến nút giao với QL.18 → đi vào QL.1 qua cầu Phù Đổng, cầu Thanh Trì → đường Vành đai III trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

2.3. Các phương đi trên QL.3 cũ đến nút giao đường Bắc Thăng Long – Hải Bối → rẽ vào đường Bắc Thăng Long – Hải Bối → đi vào QL.5 kéo dài → QL.5 → rẽ vào QL.1 qua cầu Thanh Trì → đường Vành đai III trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

Phương tiện từ khu vực các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đi về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại: Đi trên QL.1 hoặc QL.5 → đi vào QL.1 qua cầu Thanh Trì → đường Vành đai III trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

Phương tiện từ khu vực các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đi về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại: Đi trên QL.5 hoặc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, qua cầu Thanh Trì → đường Vành đai III trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long.

- Xe tải có khối lượng toàn bộ ≥1,25 tấn theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh phía Nam về khu vực phía Bắc cầu Thăng Long:

1. Các phương tiện từ khu vực các tỉnh phía Nam đến tỉnh Hà Nam đi về khu vực phía Bắc cầu Thăng Long và ngược lại, theo các lộ trình như sau:

1.1. Đi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến nút giao Liêm Tuyền → đi theo QL.21B→ đường nối hai cao tốc qua cầu Hưng Hà → đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng → QL.1 hoặc QL.39 → QL.5 → QL.5 kéo dài → Khu vực Bắc cầu Thăng Long.

1.2. Đi Quốc lộ 1 đến nút giao với .... rẽ phải vào đường .... đến nút giao Liêm Tuyền → đi theo QL.21B→ đường nối hai cao tốc qua cầu Hưng Hà → đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng → QL.1 hoặc QL.39 → QL.5 → QL.5 kéo dài → Khu vực Bắc cầu Thăng Long.

1.3. Đi đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến nút giao Pháp Vân → QL.1 qua cầu Thanh Trì → QL.5 → QL.5 kéo dài → Khu vực Bắc cầu Thăng Long.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt để sửa cầu Thăng Long
Điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt để sửa cầu Thăng Long

Để phục vụ sửa chữa cầu Thăng Long, trong tháng 7, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt hàng ngày vẫn lưu thông qua cây cầu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN