Đầu tư cân tự động kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư dự án lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long (Hà Nội).

Chú thích ảnh
 Lưu lượng tham gia giao thông qua cầu Thăng Long lớn, nên tình trạng xuống cấp càng diễn ra nhanh chóng. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Theo đó, dự án sẽ được thực hiện tại đoạn vuốt nối giữa đường đầu cầu với cầu Thăng Long thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. 

Hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ được lắp đặt trên 2 chiều đường, có thể lắp đặt ở đầu cầu phía Bắc hoặc phía Nam. Sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long. Tổng kinh phí dự án được đề xuất khoảng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì đường bộ. 

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hệ thống cân sẽ được vận hành tự động và kết nối với phần mềm quản lý tập trung dữ liệu kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống cân đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu 10 năm. 

“Không cần dừng xe vi phạm để xử phạt trực tiếp mà sử dụng kết quả cân để xử “phạt nguội” theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin. 

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, đề xuất trên là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về tập trung sửa chữa mặt cầu Thăng Long và triển khai lắp đặt hệ thống cân điện tử để khai thác đồng thời với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long khi hoàn thành. 

Trước đó, trong cuộc họp báo về kế hoạch sửa chữa cầu Thăng Long, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nguyên nhân của việc hư hỏng cầu thời gian qua là do chiều dày lớp bản thép mặt cầu mỏng so với yêu cầu cấu tạo có độ cứng nhỏ, dẫn đến độ võng tích lũy. Bản mặt cầu chịu kéo theo cả hai phương dọc và ngang. Sau 20 năm khai thác, cùng với sự gia tăng của xe quá tải, dẫn đến hư hỏng mặt cầu. 

"Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu trong tháng 6, bắt đầu khởi công thi công trong tháng 7, hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm nay", ông Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Quang Toàn (TTXVN)
Dừng hoạt động cầu Thăng Long trong tháng 7 để sửa chữa tổng thể
Dừng hoạt động cầu Thăng Long trong tháng 7 để sửa chữa tổng thể

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện chiều 4/5 cho biết: Sau 35 năm khai thác, hiện cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện qua cầu. Vì vậy, cầu sẽ được sửa chữa tổng thể bắt đầu từ tháng 7/2020, hoàn thành trong quý IV/2020. Trong thời gian sửa chữa sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN