Anh Mai Đình Sửu (Tổ dân phố 13, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết: Nhà tôi mới xây được gần 3 năm, tình trạng nhà vẫn còn mới. Tuy nhiên, từ khi đơn vị thi công làm con đường này, nhà tôi bị hàng chục vết nứt ở móng, tường, trần nhà. Mùa mưa vừa rồi nước thấm, tràn vào nhà gây hư hỏng nhiều đồ đạc. Không những vậy, khi công trình được thi công, do độ rung quá lớn đã làm rơi vỡ nhiều đồ đạc treo trên tường nhà… Vì thế, khi được thông báo mức đền bù 4,280 triệu đồng thì gia đình tôi không đồng tình.
Cũng chung tình trạng trên, gia đình ông Mai Thế Thiện (kinh doanh nước giải khát ngay vòng xoay đường tránh giao với Quốc lộ 25) chia sẻ: Mùa mưa vừa rồi tôi phải dùng 5-6 cái xô để hứng nước dột từ trần nhà vì đợt thi công đường tránh làm tường mái nhà nứt rất nhiều chỗ. Phía tầng dưới - nơi kinh doanh, nước tràn vào nhà khoảng gần nửa mét. Việc này đã làm hư hỏng phần lớn phần trần làm bằng thạch cao, đồ đạc bị ẩm mốc hư hỏng nặng mặc dù hiện trạng nhà tôi cũng còn mới.
Hầu hết các hộ dân không đồng ý với mức đền bù bởi nhà của họ bị nứt nhiều dẫn đến thấm tường vào mùa mưa, trần nhà bị nứt hở, các vật dụng trên cao bị rơi xuống, nền nhà sụp lún, cửa chính xệ xuống, nước tràn vào nhà gây đổ tường gạch... Trong khi đó, mức đền bù từ phía bảo hiểm công trình qua kiểm định chỉ dao động từ vài trăm nghìn đồng đến ba, bốn triệu đồng cho mỗi hộ.
Ông Nguyễn Bá Nghĩa (Tổ dân phố 13, thị trấn Chư Sê) cho biết, giai đoạn cao điểm, đơn vị thi công sử dụng 5-7 chiếc xe lu hoạt động trong vòng 200m với cấp độ rung số 5. Lúc ấy, các vật dụng trong nhà dân hầu như đều rung bần bật theo, ảnh hưởng nhiều đến giá trị sử dụng sau này.
Được biết, Gói thầu số 10 của Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê (Gia Lai) gây tổn thất cho 46 hộ dân, trong đó 29 hộ thuộc Tổ dân phố 13 (thị trấn Chư Sê) và 17 hộ thuộc Thôn 3 (xã Ia Pal, huyện Chư Sê).
Hiện tại mới có một số hộ đã đồng ý nhận tiền đền bù, còn 26 hộ không đồng ý vì cho rằng mức đền bù không thỏa đáng với thực trạng nhà cửa hư hỏng và số tiền người dân tự bỏ ra tu sửa nhà cửa lớn gấp nhiều lần so với mức đền bù mà chủ đầu tư dự án đưa ra. Ngoài ra, người dân còn thắc mắc việc giải quyết đền bù không công bằng giữa một số hộ dân có mức độ thiệt hại như nhau. Những hộ dân này đã làm đơn kiến nghị tập thể lên UBND huyện Chư Sê và UBND tỉnh Gia Lai.
Làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết, nội dung kiến nghị của các hộ dân không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện nên UBND huyện đã chuyển đơn tới Ban quản lý Dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư dự án).
Tại một diễn biến khác, trong biên bản thông báo nội dung cuộc họp “về việc chi trả tiền bảo hiểm cho những hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê, Gia Lai” vào ngày 20/2/2020, ông Hồ Minh Hậu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chư Sê, đã đề nghị đơn vị bảo hiểm (Bảo hiểm quân đội – MIC) phối hợp với nhà thầu thi công nghiên cứu phương án xử lý, khắc phục các vết nứt của từng hộ dân và báo cáo về Ban quản lý Dự án 6, chính quyền địa phương trước ngày 10/3. Tuy nhiên, đến nay hai đơn vị này chưa có động thái xử lý cũng như chưa báo cáo tiến độ xử lý cho cơ quan chức năng.
Chính quyền nói không liên quan vì không thuộc thẩm quyền giải quyết đơn kiến nghị của người dân; chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án 6 – Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị thi công (Công ty cổ phần 471) và đơn vị bảo hiểm công trình (Bảo hiểm quân đội - MIC) thì kéo dài thời gian xử lý, cũng như không đưa ra phương án đền bù thỏa đáng khiến người dân bức xúc trong thời gian dài. Vậy trách nhiệm xử lý cuối cùng thuộc về ai?
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê (Gia Lai) được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, chiều dài hơn 10,8 km với tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ giữa tháng 5/2018 và nghiệm thu, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 6/2019.