Nội dung phản hồi nêu rõ, tháng 2/2017, nhà điều hành sản xuất QNPC của Công ty Điện lực Quảng Ngãi được khởi công xây dựng. Đến tháng 4/2017, quá trình thi công ép cọc diễn ra. Tháng 10/2018, Công ty có nhận được thông tin phản ánh của 5 hộ dân thuộc Tổ dân phố 19, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi về việc đơn vị thi công công trình gây nứt nhà và đòi bồi thường.
Ngày 18/10/2018, Công ty Điện lực Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan đã tham gia cuộc họp theo giấy mời số 75/GM- UBND ngày 17/10/2018 của UBND phường Nghĩa Lộ về việc giải quyết Đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Hào và một số hộ dân ở tổ 19, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp, các hộ dân đều cho rằng việc thi công ép cọc công trình Nhà điều hành sản xuất QNPC đã gây ra nứt nhà và yêu cầu QNPC bồi thường với giá trị cao (chỉ phát biểu không ghi vào biên bản). Cụ thể, hộ bà Phạm Thị Hào yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Đào 70 triệu đồng; hộ bà Võ Thị Hoa 50 triệu đồng; hộ bà Phạm Thị Hồng Thạnh 50 triệu đồng; hộ bà Võ Thị Câu 25 triệu đồng.
Ngày 26/10/2018, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã mời Công ty Bảo Minh - Chi nhánh Quảng Ngãi (đơn vị bảo hiểm công trình) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám định Chuyên Việt (đơn vị giám định trung gian) đến từng nhà để kiểm tra thực trạng làm cơ sở lập phương án kỹ thuật và tính toán giá trị khắc phục, xử lý.
Đến ngày 20/11/2018, Công ty Điện lực Quảng Ngãi cùng hai đơn vị nói trên làm việc với các hộ trong đơn phản ánh để thông báo kết quả giám định và đề xuất biện pháp xử lý khắc phục cho từng hộ dân.
Tại buổi làm việc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám định Chuyên Việt (do Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi chỉ định) đã có văn bản số 111/ GĐCV-18 thông báo kết quả dự toán vụ tổn thất 5 nhà dân lân cận công trình nhà điều hành sản xuất QNPC.
Theo đó, phương án khắc phục chung mà công ty này đưa ra là: Cạo bỏ lớp vôi cũ đối với các tường xuất hiện nhiều vết nứt bề mặt, sau đó sơn bả mới lại; Các bức tường xuất hiện vết nứt sẽ đục rộng các vết nứt tường, làm vệ sinh, bảo hòa nước, quét hồ dầu liên kết, đặt lưới thép và trám lại bằng vữa xi măng.
Các vết nứt cấu kiện bê tông cốt thép (dầm, sàn, trụ, máng xối…) sẽ đục mở theo chiều dài vết nứt, quét hồ dầu, bơm keo; hoàn trả các cấu kiện khác về lại như hiện trạng ban đầu trước khi tổn thất như sơn vôi, bả matic, lắp đặt các thiết bị tháo dỡ nếu có…
Trên cơ sở phương án khắc phục, đơn vị giám định trung gian áp dụng các định mức, quy định hiện hành của nhà nước để tính toán giá trị dự toán sửa chữa đối với từng hộ (chưa bao gồm thuế VAT) như sau: hộ bà Phạm Thị Hào hơn 13,4 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Đào gần 7 triệu đồng; hộ bà Võ Thị Hoa gần 5,5 triệu đồng; hộ bà Phạm Thị Hồng Hạnh gần 4,5 triệu đồng; hộ bà Võ Thị Câu hơn 5,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa thật sự đồng thuận. Ông Huỳnh Mậu (chồng bà Phạm Thị Hào) cho rằng, giá đền bù mà phía công ty bảo hiểm đưa ra là quá thấp, không đủ để người dân tự sửa nhà. Người dân cũng lo lắng các phương án khắc phục không đảm bảo tuyệt đối, giả dụ trong vài năm tới, nếu tường tiếp tục nứt, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Lo lắng của ông Mậu cũng như các hộ khác hoàn toàn có thể cảm thông. Bởi lẽ, để xây dựng được một ngôi nhà, họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ, thậm chí tích cóp cả đời mới có được cơ ngơi ấy. “Giờ chúng tôi chỉ muốn phía Công ty Điện lực Quảng Ngãi cử lãnh đạo có thẩm quyền xuống đối thoại, thương lượng lại giá đền bù hợp tình hợp lý và phải có biên bản ghi rõ hướng xử lý về lâu dài để chúng tôi yên tâm”, ông Mậu nói.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Quách Phạm Cường cho biết: Trên tinh thần cầu thị, trong thời gian sớm nhất, Công ty sẽ đối thoại với các hộ dân để tìm được tiếng nói chung.
Công ty trực tiếp đứng ra sửa chữa và thanh toán hoàn toàn chi phí trong trường hợp người dân không nhận tiền đền bù nếu họ cho rằng số tiền đền bù không đủ để sửa vết nứt. Đồng thời, sau khi sửa chữa, Công ty cam kết sẽ bảo hành trong vòng 2 năm, có biên bản cam kết kèm theo.