Bình Định: Núi Cấm tiếp tục sạt lở, nhà dân ngập trong bùn đất

Sáng 16/11, hiện tượng sạt lở tiếp tục xảy ra tại nhiều vị trí trên núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định), đe dọa nhiều khu dân cư dưới chân núi.

Chú thích ảnh
Nhiều người cho rằng mưa lớn cùng việc trồng keo và làm đường vào khai thác keo là nguyên nhân khiến núi bị sạt lở. 

Nước bùn và hàng nghìn m3 đất đá từ trong núi chảy ra khiến hàng trăm ngôi nhà người dân dưới chân núi bị hư hại, ngập trong bùn đất.  

Ông Nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát) cho biết, trong sáng nay, địa phương tiếp tục di dời thêm 20 hộ dân vùng nguy hiểm dưới chân núi đến nơi an toàn. Đến nay, tổng cộng có 100 hộ chưa thể về nhà. Địa phương tiếp tục cắt cử lực lượng đóng chân tại khu vực núi Cấm để ngăn không cho người dân về nhà, ít nhất là trong tối 16/11.

Liên tiếp từ ngày 14 - 16/11, tại khu vực núi Cấm đã xảy ra 3 điểm sạt lở; trong đó, điểm sạt lở vào tối 14/11 với một lượng đất đá lớn, tạo nên một vệt dài và rộng từ đỉnh xuống chân núi. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 6.000m3.

Ghi nhận trong chiều 16/11, hàng trăm nghìn m3 đất đá cùng với nước bùn từ chân núi tiếp tục chảy ra, tràn ngập vào nhà của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân núi; trong đó, có nhà bị nước bùn ngập cao gần 1m. Một số bờ tường, hàng rào và nhà dân bị hư hỏng nặng.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà bị bùn đất trôi vào nhà không thể đi được. 

Ngôi nhà của anh Mai Công Phi (thôn Chánh Thắng) bị nước bùn và đất đá trôi vào nhà trong sáng nay, tạo thành một lớp dày 50 cm. Ngoài ra, tường rào và cổng sắt của anh cũng bị nước đập vào gây hư hỏng. Anh Phi cho biết tranh thủ khi trời tạnh mưa, anh cùng gia đình nạo vét lớp bún đất ra khỏi nhà.

Trong khi đó, chị Đặng Thị Hiền (thôn Chánh Thắng) không giấu nổi nỗi buồn khi toàn bộ ngôi nhà của mình từ trong ra ngoài vườn đều bị ngập trong bùn, lớp bùn có nơi dày gần 1m, bờ tường phía sau nhà chị cũng bị hư hỏng. "Nhiều thứ đồ đạc trong nhà không kịp chuyển đi cũng đã bị nước bùn làm cho hư hỏng", chị Hiền nói.

Theo ông Mai Công Huệ (thôn Chánh Thắng), do mưa lớn xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày qua nên núi Cấm bị sạt lở nặng tại nhiều điểm. Việc người dân trồng cây keo trên núi và các phương tiện máy móc vào đào đất mở đường có thể là nguyên nhân khiến núi Cấm bị sạt lở.

Ghi nhận tại hiện trường vụ sạt lở dưới chân núi Cấm cách khu dân cư gần 30m, một mảng núi rộng 120m với nhiều tảng đá lớn lăn từ trên núi cao xuống, nước mưa và bùn trong núi vẫn đang tiếp tục chảy ra. Nếu có mưa lớn, nơi đây tiếp tục có nguy cơ sạt lở.

Chú thích ảnh
 Người dân nào vét bùn đất trên đường bê tông. 

Ngành chức năng xã Cát Thành và huyện Phù Cát đang thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tin, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Thanh Hóa: Sạt lở trên Quốc lộ 15C, huyện Mường Lát bị chia cắt với miền xuôi
Thanh Hóa: Sạt lở trên Quốc lộ 15C, huyện Mường Lát bị chia cắt với miền xuôi

Ngày 16/11, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) cho biết trên địa bàn đã xảy ra vụ sạt lở đất đá từ taluy dương xuống Quốc lộ 15C, đoạn chạy qua địa phận bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, khiến Mường Lát bị chia cắt với các huyện miền xuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN