Từ ngày 29 Tết (9/2) đến mùng 5 Tết (14/2) Quý Tỵ, số bệnh nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân tai nạn giao tăng đột biến so với dịp Tết Nhâm Thìn 2012.
Quá tải bệnh nhân mắc bệnh trọng
“Trong sáu ngày Tết, số bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai là 1.272 ca, trong đó nhập viện điều trị nội trú là 607 ca, tập trung chủ yếu ở khoa Thần kinh, Cấp cứu, Tim mạch, Nhi...”, một đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu 60 - 80 ca/ngày Tết. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN. |
Thực tế, cho đến chiều mùng 5 Tết (14/2), các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn phải khẩn trương tiếp nhận, phân loại và tìm ra phác đồ điều trị hữu hiệu nhất nhằm cứu chữa cho người bệnh. “So với Tết năm trước, bệnh nhân cấp cứu tăng không chỉ về số lượng (tăng 30 - 40%) mà còn tăng cả về mức độ nặng của từng ca bệnh. Cụ thể, từ ngày mồng 3 Tết, bệnh nhân cấp cứu bắt đầu tăng đột biến, tăng khoảng 1,5 lần so với ngày thường, trong đó 30 - 50% là ca bệnh nặng như: Tim mạch, tai biến mạch máu não, xuất huyết tiêu hóa….”, BS Mai Duy Tôn, phụ trách tua trực ngày 14/2 của khoa Cấp cứu, cho biết.
Tình trạng quá tải cũng diễn ra tương tự tại khu vực cấp cứu của Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây chỉ có 36 giường bệnh nhưng có tới 54 bệnh nhân điều trị, trong đó 70 - 80% là tai biến mạch máu não. Vì vây, BS Trương Thanh Thủy, Khoa Thần kinh chỉ kịp chia sẻ: “Bệnh nhân đông lắm, cán bộ y tế làm không ngơi tay…”, nói rồi BS Thủy vội vã vào phòng bệnh để cùng đồng nghiệp cứu chữa cho một ca bệnh đang bị ngừng tim.
Tại Bệnh viện Việt Đức, tình trạng gia tăng bệnh nhân cấp cứu còn “nóng” hơn gấp bội. Theo một cán bộ trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, dịp Tết mọi năm bệnh viện chỉ phải cấp cứu cho 20 – 30 ca/ngày nhưng dịp Tết Quý Tỵ phải cấp cứu cho trung bình hơn 100 ca/ngày. Trong 6 ngày nghỉ Tết, các y, BS Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận hơn 700 ca, trong đó khoảng 70% bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Cụ thể, mùng 1 Tết, có 95 ca cấp cứu, đến mùng 2 vọt lên 127 ca, mùng 3 là 147 ca và mùng 4 lên đến 156 ca…
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của nhiều người bị tai nạn cho thấy không ít người có hàm lượng cồn cao hơn mức cho phép gấp 2 – 3 lần. Đặc biệt, số ca tử vong hoặc nặng xin về trong những ngày Tết Quý Tỵ tăng đột biến với gần 30 ca, trong khi những năm trước chỉ 10- 15 ca. Vì lượng bệnh nhân cấp cứu nhập viện tăng cao như vậy nên Bệnh viện Việt Đức phải chuyển một số bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến dưới như: Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Bưu Điện....
Cấp cứu cho bệnh nhân tai nạn giao thông tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
70% vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu
Báo cáo nhanh ngày 14/2 của Bộ Y tế cho thấy, trong 6 ngày nghỉ Tết ( từ 29 đến mùng 5 Tết), các cơ sở y tế khám, điều trị cho khoảng hơn 200.000 lượt bệnh nhân, tăng 45,6% so với dịp Tết Nhâm Thìn, trong đó hơn 65.000 ca là cấp cứu, tai nạn, tăng 28,6%. Các bác sĩ đã thực hiện hơn 10.000 ca phẫu thuật, trong đó có tới 507 ca phẫu thuật chấn thương sọ não (tăng 74,8%). Cũng trong thời gian này, tại các bệnh viện ghi nhận 593 ca tử vong, 186 ca trong số đó là do tai nạn giao thông.
Còn theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 6 ngày nghỉ Tết cả nước xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông làm 234 người chết, 306 người bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày Tết có 39 người tử vong vì tai nạn giao thông. Điều đáng lưu ý là 85% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường liên thôn, xã, huyện. 100% vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe máy với xe máy. 70% số vụ tai nạn giao thông là do liên quan đến uống rượu, bia…
Trước thực tế này, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ Luật an toàn giao thông: Tuyệt đối không phóng nhanh, vượt ẩu, chú ý đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Đặc biệt, các đấng mày râu cần cẩn trọng “giữ mình”, không nên uống nhiều rượu, bia trước khi tham gia giao thông, cho dù “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Phương Liên