Chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (bảo hiểm y tế), bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp), nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự an tâm, tin tưởng, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội. Toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục.
Từ cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành và đến nay, tất cả các dịch vụ công này đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Người dùng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng internet là có thể thực hiện các dịch vụ công của của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào. Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang được cung cấp qua dịch vụ bưu chính công ích (VNPOST); nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (IVAN); dịch vụ công thanh toán cung cấp qua các ngân hàng (đã có 5 dịch vụ công của ngành đã được cung cấp trên ứng dụng VssID).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Tính đến hết ngày 19/6/2021, toàn quốc có trên 13,27 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 52,34% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, từ ngày 01/6/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Đây được đánh giá là bước đi đột phá, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành, và càng phù hợp hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có hướng đi đúng, đặt nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia. Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.
Các phần mềm, ứng dụng của ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Qua đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, đặt lên hàng đầu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị… góp phần xây dựng hình ảnh ngành hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, đặc biệt là việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Không để xảy ra tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, mặc dù có những nỗ lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, song một số đơn vị, cá nhân có thời điểm vẫn còn thiếu quyết liệt, thụ động trong chỉ đạo, điều hành, để công việc tồn đọng, quá hạn, đùn đẩy trách nhiệm công việc, thiếu kiểm tra đôn đốc dẫn tới sai sót, dễ dẫn đến tiêu cực trong thực thi công vụ. Ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng thiếu tính thống nhất, cục bộ, hiệu quả chưa cao trong công tác phối hợp giải quyết nhiệm vụ (trong và ngoài ngành).
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu người đứng đầu (bao gồm cả cấp phó của người đứng đầu) các đơn vị trong ngành, nhất là thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thế Mạnh lưu ý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý kịp thời và trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, không để cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng nhấn mạnh đến việc phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả của công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại cơ quan, đơn vị phụ trách; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, quá hạn; chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trong bối cảnh vừa phải thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, vừa phải bảo đảm việc phòng, ngừa dịch COVID-19 và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ động xây dựng kịch bản, phương án điều hành nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp theo đúng chỉ đạo; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc nếu để xảy ra các vụ việc chậm, muộn, phiền hà, giải quyết trái quy định thuộc thẩm quyền trong thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.