Làng nghề Tề Lỗ có 300 đến 400 bãi chứa xe máy, ô tô hoặc xe cơ giới; trong đó có gia đình có tới 2 đến 3 bãi. Luôn có hàng chục ngàn xe cơ giới cũ, hỏng xếp tràn lan khắp thôn xóm, ven ao hồ, đồng ruộng chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, linh kiện.
Anh Tùng - một người buôn bán các loại xe máy, động cơ cũ tại Tề Lỗ cho biết: các chi tiết, linh kiện còn tốt nằm trong xe máy, ô tô hoặc động cơ dầu, điện hay xăng được các hộ kinh doanh phân loại, bảo dưỡng, cất giữ để bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công. Những thứ còn tốt, còn mới, không biến dạng như linh kiện, phụ kiện xe ô tô, phương tiện cơ giới thi công công trình bán rất có lãi. Một chiếc xe mô tô Suzuki GN125 sản xuất cách đây vài chục năm, người dân chỉ mua giá 2 đến 4 triệu đồng. Tuy vậy, khi “mổ” chiếc xe này, riêng đôi giảm xóc trước còn tốt, chưa có dấu hiệu sửa chữa, phục hồi có thể bán với giá bằng 50 đến 70% giá trị cả chiếc xe cũ. Đồng, chì, nhôm… lẫn trong các vỏ bọc là nhựa được người làng nghề phân loại và bán lãi gấp 2 đến 3 lần khi đổ đống.
Tuy nhiên, hoạt động tháo dỡ xe đã gây ra các phiền toái cho chính người dân nơi đây. Do làng nghề có quy mô lớn, các sản phẩm phong phú, đa dạng với hàng trăm cơ sở làm nghề hoạt động khá thường xuyên khiến các loại rác, chất thải như sơn từ thiết bị, máy móc bong tróc, gioăng cao su và săm lốp có ở khắp nơi, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy thải ra với số lượng lớn không được xử lý hiệu quả. Các rác thải không có khả năng tái chế này thường chỉ được thu gom một phần; phần còn lại bị đốt hoặc vứt ra các khu đất trống, ven làng, xóm, cạnh kênh, mương, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Bên cạnh đó, nhiều loại vật liệu cùng chất thải khó phân hủy chất đống, lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông. Không ít thời điểm, thời tiết thay đổi, mùi hôi, mùi khét nồng nặc khắp nơi.
Theo báo cáo của UBND xã Tề Lỗ: toàn xã hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi, trong đó có khoảng 300 hộ đã được quy hoạch vào Cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, đang loay hoay tìm nơi tập kết hàng hóa.
Xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc đã duy trì tốt hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Vệ sinh môi trường; thường xuyên quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản xử phạt đối với nhiều hộ có hành vi đốt dây đồng, chất thải làm phát sinh khí thải độc hại, do đó tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nghề có giảm… Từ năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề nhiều, lượng chất thải lớn trong khi việc thu gom khó, giá thành xử lý đắt.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm các làng nghề, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền cơ sở tại tập trung thông tin, tuyên truyền về tác hại của các loại chất thải, nước thải với môi trường sống của con người; yêu cầu các địa phương, nhất là các làng nghề làm tốt công tác thu gom và xử lý nước thải; quy hoạch các cụm làng nghề... giúp dân mở rộng sản xuất. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ và UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương quy hoạch, thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: để xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường, tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Địa phương đã chỉ đạo, triển khai thí điểm hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 534,6 km cống, rãnh thoát nước với kinh phí hơn 1.136 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 536 tỷ đồng và huy động đóng góp từ nhân dân 600 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát, quy hoạch, mở rộng các cụm công nghiệp, làng nghề để từng bước thu gom và xử lý các loại chất thải, nước thải ở làng nghề hiệu quả hơn...