Bên cạnh những đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, các nghề truyền thống được nhìn nhận là một di sản văn hóa. Do vậy, dù đối mặt khó khăn trong đại dịch COVID-19 song việc cân bằng giữa sản xuất và bảo tồn giá trị truyền thống luôn được các làng nghề đặt ra.
Vượt khó để thúc đẩy sản xuất
Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín được biết đến là một làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội. Hiện nay, làng nghề có trên 300 hộ sản xuất kinh doanh với hơn 1.500 lao động. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, đặc biệt là kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Không chỉ mặt hàng sơn mài truyền thống có vị trí ở thị trường nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha...với số lượng sản phẩm chiếm trên 60% tổng sản phẩm của làng nghề.
Ông Đỗ Trọng Đoàn, một hộ sản xuất tại làng nghề cho biết, hiện nay, sản xuất tại làng nghề gặp không ít khó khăn, tiêu thụ hàng hóa đình trệ. Vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nhân lực làng nghề còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Một mặt, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn thấp, trong khi nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, vẫn phải nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Tuy vậy, các hộ sản xuất vẫn cố gắng vượt qua, tìm nhiều phương thức bán hàng, duy trì sản xuất trong điều kiện khó này.
Tình trạng này cũng xảy ra ở các làng nghề truyền thống khác khi sản xuất tiểu thủ công nghiệp luôn chịu sức ép của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông chia sẻ, trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, việc phòng, chống dịch đi đôi với sản xuất và kinh doanh là những thách thức lớn đối với làng nghề. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội để chào bán, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Một mặt, các đơn vị còn tham gia hội chợ triển lãm trong nước nhằm khai thác thị trường tiêu thụ và nắm bắt thị hiếu của khách hàng. Việc tạo mẫu mã, hoa văn và chủng loại sản phẩm cũng được chú trọng để tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm.
Trước những hạn chế và khó khăn của làng nghề, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội đã hỗ trợ các hội viên tham gia chương trình hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhằm phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, chương trình đào tạo nghề, chương trình tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp về chính sách liên quan đến làng nghề. Các chương trình này giúp hội viên có thêm kỹ năng, ý tưởng sản xuất được nhiều dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của thị trường, bán những sản phẩm thị trường cần chứ không bán sản phẩm mà mình có. Các hội viên được nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, đưa ra thị trường các sản phẩm mới có tính cạnh tranh, nâng giá trị sản phẩm.
Bảo tồn giá trị truyền thống
Nghề truyền thống được nhìn nhận là một di sản văn hóa bởi nó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của cộng đồng tại địa phương từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Tại Hà Nội, một số nghề truyền thống được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề làm cốm Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Thực tế, không chỉ các làng nghề có nghề truyền thống được ghi danh di sản văn hóa mới có ý thức bảo tồn mà các làng nghề truyền thống khác đều chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị.
Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, quận Hà Đông tự hào, Đa Sỹ là một làng cổ, một làng khoa bảng, có nghề rèn truyền thống hình thành từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làng nghề rèn Đa Sỹ không ngừng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có một hệ thống di tích, lịch sử đặc sắc. Du khách đến đây không chỉ tìm hiểu về nghề truyền thống, tham quan không gian làng xã mà còn trải nghiệm nơi sản xuất, trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì thế, trong giai đoạn 2020-2025, quận Hà Đông tạo điều kiện để làng nghề rèn Đa Sỹ phát triển sản xuất gắn liền với giữ gìn thương hiệu sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chính quyền địa phương đã phát huy tối đa nguồn di sản của làng nghề, khuyến khích nghệ nhân liên kết với các tour du lịch để đưa khách về tham quan làng nghề. Đến nay, mô hình này đạt được thành công đáng kể, tiêu biểu như: Gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Sơn, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm và Công ty Cổ phần phát triển lụa Vạn Phúc. Làng nghề Vạn Phúc được đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng Liệt sỹ, đình làng, miếu thờ tổ nghề gắn với lịch sử hình thành của nghề dệt lụa Vạn Phúc.
Hàng năm, chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị, bình xét phong tặng nghệ nhân các làng nghề có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa nghề truyền thống; tôn vinh nghệ nhân gắn bó cả cuộc đời với việc xây dựng, giữ nghề và bảo tồn nghề. Công tác đào tạo, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ được các làng nghề thực hiện tốt. Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội đề nghị thành phố Hà Nội tạo điều kiện để các làng nghề phát triển bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện để thế hệ trẻ có cơ hội gắn bó lâu dài với nghề, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa ngay trên chính quê hương mình. Bà đề xuất, thành phố chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình riêng cho học viên môn thiết kế sản phẩm trên máy và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm. Đồng thời, thành phố phát động phong trào xuống đến thôn, xã có các làng nghề để động viên lớp trẻ đi học nghề nhằm phát triển nghề địa phương. Đó là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn nghề truyền thống.